Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kinh nghiệm thẩm tra các tờ trình dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình kỳ họp HĐND tỉnh

( Cập nhật lúc: 18/05/2021  )

Là đại biểu dân cử từ năm 1999, tham gia thành viên kiêm nhiệm của Ban Kinh tế- Xã hội HĐND cấp huyện nhiều khóa, tuy nhiên đến nhiệm kỳ 2016-2021 mới tham gia Đại biểu HĐND tỉnh, làm nhiệm vụ chuyên trách tại Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, bản thân tôi nhận thấy rằng nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh.

Ban Kinh tế - Ngân sách họp thẩm tra các tờ trình trình kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021

Thẩm tra là một hình thức giám sát riêng có của các Ban HĐND, nhằm xem xét sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với đường lối, chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của nội dung dự thảo với hệ thống pháp luật hiện hành; sự phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội và thực tiễn của địa phương. Báo cáo thẩm tra có chất lượng, sẽ cung cấp thông tin đa chiều giúp cho đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, xem xét, cân nhắc lựa chọn vấn đề trước khi quyết nghị. Nội dung quan trọng trong báo cáo thẩm tra chính là việc phát hiện vấn đề, đối chiếu các vấn đề đó với các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành và với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương.

Để hoạt động thẩm tra có chất lượng cao, cá nhân tôi rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, chủ động nghiên cứu sơ bộ nội dung ngay từ khi UBND tỉnh gửi đề xuất xây dựng nghị quyết

Không chờ đến khi có ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh, theo lĩnh vực phụ trách của Ban theo Luật định, Lãnh đạo Ban chủ động nghiên cứu, giao cho bộ phận giúp việc chuẩn bị nội dung để tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến có đồng ý xây dựng nghị quyết hay không, phân công cơ quan thẩm tra ngay từ bước đầu, giúp Ban chủ động nghiên cứu, thu thập tài liệu.

Việc tham mưu cho ý kiến đối với đề xuất xây dựng nghị quyết của các Ban ngay từ đầu giúp cho việc xây dựng nghị quyết đảm bảo đúng thẩm quyền, đủ cơ sở pháp lý, là một nội dung quan trọng trong báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND, qua đó tạo sự phối hợp giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình xây dựng hồ sơ dự thảo nghị quyết.

Thứ hai, xây dựng kế hoạch thẩm tra của Ban

Trên cơ sở phân công thẩm tra của Thường trực HĐND tỉnh, Lãnh đạo chuyên trách Ban cần chủ động xây dựng kế hoạch thẩm tra, thống nhất phân công các thành viên Ban nghiên cứu, thẩm tra gắn với ngành lĩnh vực thành viên đang công tác, quy định cụ thể các mốc thời gian tổ chức khảo sát, thời gian hoàn thành dự thảo báo cáo thẩm tra, dự kiến thời gian họp thẩm tra sơ bộ, họp thẩm tra theo quy định của Luật. Phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnhđể phân công, đôn đốc bộ phận, chuyên viên giúp việc Ban tham mưu thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, đảm bảo kịp thời, có chất lượng.

Thứ ba, lựa chọn vấn đề và tổ chức khảo sát, thu thập thông tin phục vụ công tác thẩm tra

Phát hiện, lựa chọn vấn đề, xây dựng đề cương, kế hoạch khảo sát là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết, qua đó giúp Ban thu thập thông tin nhiều chiều, sinh động và sát với thực tế quản lý. Phát hiện đúng vấn đề sẽ giúp cho việc khảo sát đúng đối tượng và trúng nội dung cần quan tâm, do đó đòi hỏi Lãnh đạo Ban phải chủ động nghiên cứu và phát hiện, không trông chờ vào đề xuất của bộ phận giúp việc.

Bên cạnh việc khảo sát thu thập thông tin, chuyên trách Ban cần chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp xúc cử tri, theo dõi các báo cáo định kỳ, báo cáo sơ kết, tổng kết, tham dự các phiên họp thành viên UBND tỉnh, hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng,…Có  thông tin đầy đủ giúp cho hoạt động thẩm tra của Ban được thuận lợi, các Báo cáo thẩm tra được chặt chẽ và có tính thuyết phục.

Thực tế qua hoạt động khảo sát, Ban Kinh tế - Ngân sách đã phát hiện và chỉ ra một số bất hợp lý trong việc: Đề xuất đầu tư xây dựng trụ sở xã; quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản; bố trí danh mục và phân bổ vốn đầu tư; ban hành một số chính sách về phát triển nông nghiệp,…chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật và thực tiễn của các đơn vị, địa phương trong tỉnh, từ đó kịp thời phản ảnh, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh không đưa vào chương trình kỳ họp đối với những hồ sơ dự thảo nghị quyết thiếu căn cứ pháp lý, chưa đủ cơ sở thực tiễn. Báo cáo thẩm tra của Ban luôn có những kiến nghị xác đáng, nhận được sự đồng thuận của các đại biểu HĐND tỉnh. Đa số, các báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách tại các kỳ họp đều được đại biểu HĐND tỉnh đánh giá có chất lượng tốt, mức độ khá chiếm tỷ lệ không đáng kể, chưa có báo cáo thẩm tra bị đánh giá mức trung bình.

Thứ tư, tham dự các Hội nghị, hội thảo xây dựng dự thảo tờ trình nghị quyết do cơ quan soạn thảo tổ chức, các phiên họp của UBND tỉnh thông qua dự thảo tờ trình nghị quyết

Xác định việc ban hành nghị quyết, cụ thể hóa chính sách pháp luật vào điều kiện cụ thể của địa phương là nhiệm vụ chung của chính quyền địa phương, bao gồm cả HĐND và UBND. Do vậy, lãnh đạo chuyên trách Ban cần chủ động nghiên cứu văn bản, liên hệ với thực tế qua hoạt động theo dõi, giám sát để phối hợp, tham gia ý kiến đối với cơ quan soạn thảo ngay từ bước đầu. Qua đó những vấn đề còn băn khoăn được cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các thành viên UBND tỉnh trao đổi cụ thể, nhằm tạo sự thống nhất, giảm bớt ý kiến trái chiều trong báo cáo thẩm tra, giảm bớt báo cáo giải trình, từ đó giảm bớt thời gian trình bày báo cáo, việc thảo luận tại các kỳ họp vì vậy cũng được rút ngắn.

Thứ năm, tranh thủ ý kiến chỉ đạo và định hướng của Thường trực HĐND tỉnh

Trước khi tổ chức họp thẩm tra với cơ quan chủ trì soạn thảo hồ sơ dự thảo Nghị quyết, Ban tổ chức họp nội bộ thông qua dự thảo báo cáo thẩm tra để thống nhất nội dung.

Khi tổ chức hội nghị thẩm tra, Ban luôn chủ động mời Thường trực HĐND phụ trách lĩnh vực Ban cùng tham dự để cho ý kiến và có định hướng sớm, trước khi Thường trực HĐND tổ chức phiên họp để nghe các Ban báo cáo sơ bộ về nội dung thẩm tra.

Đối với các hồ sơ dự thảo Nghị quyết chưa phù hợp với tình hình thực tế, thiếu tính khả thi, còn có ý kiến trái chiều, Ban sớm báo cáo tại phiên họp Thường trực HĐND để có định hướng, đảm bảo sự thống nhất, không đưa vào nội dung chương trình kỳ họp đối với những hồ sơ dự thảo nghị quyết không đảm bảo chất lượng.

Thứ sáu, nội dung báo cáo thẩm tra cần súc tích, đúng trọng tâm

Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND là một trong những tài liệu quan trọng thể hiện quan điểm của Ban, giúp cung cấp thông tin cho các đại biểu HĐND tỉnh, do vậy nội dung báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh cần ngắn, gọn, đi sâu vào nội dung thẩm tra, báo cáo thẩm tra không sửa các lỗi về chính tả, gây dài dòng, không cần thiết. Báo cáo thẩm tra phải thể hiện rõ về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự phù hợp, tính khả thi với điều kiện thực tế của địa phương; kết luận thẩm tra phải cụ thể, rõ ràng; những vấn đề Ban nhất trí, không nhất trí đều cần làm sáng tỏ. Đối với những dự thảo nghị quyết có câu từ dài dòng, chưa rõ nghĩa Ban cần trao đổi, tạo sự thống nhất giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan trình để đưa ra nội dung đề xuất cho phù hợp.

Trên đây là một số kinh nghiệm của bản thân đúc rút được trong hoạt động thẩm tra, rất mong nhận được sự chia sẻ của các đại biểu HĐND tỉnh. Xin trân trọng cảm ơn./.

Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Khóa IX nhiệm kỳ 2016 - 2021
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP