Việc điều hòa phối hợp của Thường trực HĐND tỉnh đối với các Ban HĐND tỉnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thường trực HĐND đã được quy định tại khoản 4 Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Về vai trò của Thường trực HĐND so với Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã có sự thay đổi lớn đó là: Thường trực HĐND không chỉ có vai trò điều hòa, phối hợp mà còn có vai trò chỉ đạo hoạt động của các Ban HĐND, đây là yếu tố quan trọng đảm bảo tính thống nhất trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực và các Ban, tránh được sự chồng chéo, trùng lắp trong triển khai các hoạt động thuộc nhiệm vụ quyền hạn của Thường trực và các Ban HĐND.
Qua thực tiễn hoạt động, tôi nhận thấy trong công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa Thường trực với các Ban HĐND tỉnh cần có sự kế thừa cái cũ và phát huy cái mới để đảm bảo hài hòa giữa sự chỉ đạo của Thường trực và tính độc lập của các Ban trong các hoạt động theo quy chế hoạt động của HĐND. Trong thực tế việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp của Thường trực HĐND tỉnh với các Ban HĐND tỉnh được thể hiện trên một số lĩnh vực sau:
Việc điều hòa, phối hợp giữa Thường trực với các Ban trong chuẩn bị và tổ chức kỳ họp
Để thực hiện tốt nội dung này với vai trò chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, Thường trực HĐND tỉnh cần phân công các Ban tham gia vào việc dự kiến thời gian, nội dung, chương trình kỳ họp; phân công Trưởng, Phó các Ban chủ động đề xuất các nội dung cần trình tại kỳ họp. Theo đó, Thường trực giao Văn phòng tham mưu dự kiến thời gian, nội dung chương trình kỳ họp trên cơ sở định hướng của Thường trực, kết hợp với nội dung do UBND tỉnh đăng ký cùng với các nội dung theo ý kiến đề xuất và chuẩn bị của các Ban HĐND trình tại kỳ họp. Thường trực HĐND tỉnh chủ trì họp với lãnh đạo UBND, các ngành liên quan, các Trưởng, Phó ban HĐND và Văn phòng để thống nhất các nội dung sẽ trình tại kỳ họp, trên cơ sở đó phân công cụ thể cho các cơ quan liên quan chuẩn bị. Căn cứ kết quả phiên họp, Văn phòng thông báo đầy đủ dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp, cơ quan soạn thảo, thời gian hoàn chỉnh các dự thảo tờ trình, nghị quyết chuyển đến Thường trực HĐND theo quy định. Công đoạn này cần đặc biệt lưu ý thời gian hoàn chỉnh các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết đảm bảo đủ thời gian để các Ban khảo sát, thẩm tra. Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban thẩm tra các dự thảo báo cáo, đề án, tờ trình, nghị quyết trình HĐND.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh khóa VIII giám sát việc thực hiện Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý khoáng sản và lâm sản tại Hạt kiểm lâm huyện Na Rì
Để có một báo cáo thẩm tra chất lượng tốt làm cơ sở cho đại biểu thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương thì việc khảo sát trước khi thẩm tra các tờ trình, nghị quyết hoặc đề án rất quan trọng, đặc biệt là các tờ trình, nghị quyết liên quan đến cơ chế chính sách của tỉnh. Các Ban cần chủ động xây dựng kế hoạch khảo sát, đồng thời báo cáo Thường trực để phân công các Ban cử thành viên phối hợp khảo sát. Trên thực tế có một số nội dung thường liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều Ban nên việc phối hợp để khảo sát giúp phát hiện thêm nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ,qua đó báo cáo thẩm tra có tính thực tiễn, sát cơ sở, khẳng định được những kết quả đã làm được, chưa làm được; đưa ra được những giải pháp, kiến nghị đảm bảo chính xác, khả thi. Đối với các nội dung chuẩn bị chưa đảm bảo yêu cầu thì nên tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh thống nhất với UBND tỉnh xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy để trình tại kỳ họp sau. Trong nhiệm kỳ 2011-2016, Thường trực HĐND đã thực hiện tốt việc phối hợp giữa Thường trực và các Ban trong việc khảo sát trước khi thẩm tra ban hành nghị quyết tiêu biểu như: Khảo sát trước khi ban hành Nghị quyết giá dịch vụ y tế; Nghị quyết về hỗ trợ kinh phí cho những người trông coi di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Nghị quyết về phê duyệt đề án xây dựng nhà ở bán trú và các công trình thiết yếu cho học sinh ở các trường phổ thông có học sinh ở bán trú trên địa bàn tỉnh…
Đối với hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND, trước khi tổ chức kỳ họp, Thường trực HĐND có buổi làm việc với các Ban HĐND để định hướng về các nội dung chất vấn. Nội dung đưa ra chất vấn phải được chọn lọc, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, những vấn đề cần thiết liên quan đến việc thực thi pháp luật ở địa phương. Theo đó, Thường trực HĐND phân công từng lĩnh vực cụ thể cho các Ban HĐND, căn cứ theo nhiệm vụ được phân công các Ban HĐND có trách nhiệm thu thập thông tin để xây dựng nội dung chất vấn theo từng chủ đề. Từ những nội dung chất vấn này, Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp gửi UBND tỉnh yêu cầu chuẩn bị các nội dung và phân công các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm trả lời trước HĐND. Đối với các câu hỏi, nội dung chất vấn, Thường trực HĐND giao cho các Ban phân công thành viên chất vấn tại kỳ họp. Nhờ có sự phân công, điều hòa hợp lý đã nâng cao được chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đi vào đúng trọng tâm, trọng điểm không mất nhiều thời gian, nhưng vẫn đảm bảo nghiêm túc dân chủ, công khai đáp ứng được yêu cầu của đông đảo cử tri ở địa phương.
Việc phân công các Ban Hội đồng nhân dân tham gia tổng hợp rà soát, theo dõi giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổng hợp rà soát, theo dõigiải quyết kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh, để các kiến nghị chính đáng của cử tri được các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết thỏa đáng, đúng quy định. Thường trực phân công các Ban phối hợp với Văn phòng đối chiếu các nội dung đã được UBND tỉnh giải quyết, trả lời cử tri với các tài liệu, kết quả khảo sát, giám sát tại các sở, ngành, địa phương và qua phản ánh của cử tri từ các đợt tiếp xúc để nắm bắt tình hình, kết quả giải quyết kiến nghị cử tri đã đảm bảo đúng thực tế hay chưa. Trên cơ sở đó, Ban đề xuất Thường trực tổ chức khảo sát, làm việc trực tiếp với các cơ quan, tổ chức liên quan về những nội dung chưa đúng, chưa thỏa đáng…Đó cũng là trách nhiệm của các Ban, của đại biểu HĐND đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của cử tri.
Việc thống nhất phân công, điều hòa hoạt động các chương trình giám sát, khảo sát hàng năm của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh
Hàng năm, Thường trực và mỗi Ban HĐND tỉnh thường tổ chức từ 1 đến 2 cuộc giám sát, khoảng 3 đến 4 cuộc khảo sát. Để đảm bảo công tác phân công, điều hòa cũng như phối hợp chặt chẽ trong hoạt động giám sát, khảo sát, ngay từ đầu năm, căn cứ vào nghị quyết của HĐND về hoạt động giám sát, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình, thời gian, địa điểm giám sát. Thường trực giao Văn phòng tổng hợp, sau đó Thường trực chủ trì họp thống nhất với các Ban về thời gian, địa điểm, đảm bảo không bị trùng lắp về thời gian, chồng chéo về địa điểm để Thường trực được tham gia giám sát, khảo sát cùng các Ban và ngược lại các Ban cũng được tham gia giám sát cùng Thường trực.
Việc điều hòa phối hợp trong công tác tham gia các cuộc hội nghị, hội thảo của HĐND
Hoạt động hội nghị, hội thảo của HĐND giữa Thường trực HĐND các tỉnh trong khu vực, cũng như tại địa phương giữa Thường trực, các Ban HĐND tỉnh với Thường trực và các Ban HĐND cấp huyện nhằm trao đổi kinh nghiệm, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND. Đối với từng nội dung, chủ đề của hội nghị, hội thảo của HĐND tỉnh tổ chức hoặc của các Ủy ban Quốc hội tổ chức có mời Thường trực và các Ban tham dự, Thường trực HĐND tỉnh phân công Ban HĐND tỉnh xây dựng tham luận hoặc phối hợp xây dựng bài tham luận, sau đó cùng tham gia, gợi ý nội dung cần tham luận; phân công các Ban HĐND tỉnh tham dự và phát biểu ý kiến. Qua đó, đã tạo điều kiện cho các Ban HĐND tỉnh tiếp cận nhiều hơn với các thông tin, cùng trao đổi học tập kinh nghiệm của các tỉnh bạn, đồng thời nêu cao vai trò trách nhiệm của các Ban HĐND đáp ứng ngày càng cao hiệu quả công tác của các Ban HĐND tỉnh trong hoạt động của HĐND. Ngoài sự điều hòa, phối hợp hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh đối với các Ban HĐND tỉnh như đã nêu, Thường trực HĐND tỉnh cần duy trì giao ban hàng tháng với các Trưởng, Phó các Ban nhằm trao đổi thông tin thường xuyên, kịp thời nắm bắt toàn diện về các lĩnh vực, góp phần nâng cao tính chủ động, linh hoạt trong điều hành phân công, phối hợp hoạt động của các Ban HĐND.
Trên đây là một số kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn hoạt động mang tính chất tham khảo. HĐND là cơ quan quyền lực cao nhất của địa phương, muốn khẳng định được điều đó mỗi đại biểu HĐND phải thật sự tâm huyết, dành thời gian nghiên cứu để nâng cao chất lượng hoạt động, trong đó Thường trực và các Ban phải là lực lượng nòng cốt trong mọi hoạt động của HĐND./.