Thực hiện Chương trình hoạt động năm 2023, Ban Dân tộc HĐND tỉnh ban hành Quyết định số 23/QĐ-HĐND ngày 06/10/2023 thành lập Đoàn giám sát việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 đến nay. Theo đó, từ ngày 31/10 đến ngày 06/11/2023, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã giám sát trực tiếp đối với: Sở Nông nghiệp và PTNT; Quỹ phát triển đất, rừng và Bảo vệ môi trường tỉnh; UBND các huyện: Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Na Rì, Chợ Mới, Ngân Sơn, một số chủ đầu tư thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh; giám sát gián tiếp thông qua báo cáo đối với một số cơ quan đơn vị. Kết quả giám sát như sau:
Về công tác tuyên truyền pháp luật về chuyển mục đích sử dụng rừng
Thực hiện Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của UBND tỉnh Bắc Kạn và trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu, hướng dẫn để tổ chức, cá nhân biết và thực hiện; chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân (chủ đầu tư) thực hiện đúng trình tự, thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế khi triển khai các công trình, dự án trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2020 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành 05 văn bản của Sở và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 06 văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Đoàn giám sát xem xét bản đồ chuyển MĐSD rừng Dự án xây dựng đường giao thông nội thị Vân Tùng, huyện Ngân Sơn
Về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về chuyển mục đích sử dụng rừng
Từ năm 2020 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm trực tiếp kiểm tra được 06 cuộc với 28 công trình, dự án, đồng thời Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát toàn bộ các công trình, dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng. Công tác kiểm tra, giám sát việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các công trình, dự án được các cơ quan, đơn vị phối hợp kiểm tra, giám sát, trong quá trình thi công các công trình, dự án cơ bản thực hiện đảm bảo đúng vị trí, diện tích rừng theo hồ sơ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Qua kiểm tra, giám sát phát hiện 05 công trình, dự án vi phạm trong chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải xem xét, xử lý.
Về kết quả thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng đối với các công trình, dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ
Đối với dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội: Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có công trình, dự án cần chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Đối với dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ: Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 03 dự án:
- Công trình Cải tạo, nâng cấp đường kết nối từ trung tâm xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn của tỉnh Bắc Kạn với xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình của tỉnh Cao Bằng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên tại Văn bản số 1153/TTg-NN ngày 13/9/2021 với diện tích rừng tự nhiên chuyển mục đích sử dụng là 13,62 ha (4,48 ha thuộc quy hoạch rừng phòng hộ; 9,14 ha thuộc quy hoạch rừng sản xuất).
- Dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên tại Văn bản số 272/TTg-NN ngày 22/3/2022 với diện tích rừng tự nhiên chuyển mục đích sử dụng là 32,55 ha (9,56 ha rừng phòng hộ; 20,04 ha rừng sản xuất và 2,95 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng).
- Dự án Đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn, trong đó: Dự án với quy mô 2 làn xe đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tại Văn bản số 645/TTg-NN ngày 14/7/2023 với diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng là 134,79 ha (14,22 ha rừng tự nhiên; 120,57 ha rừng trồng). Phần diện tích rừng trình chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (bổ sung) do mở rộng quy mô từ 2 làn lên 4 làn xe tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn là 46,48 ha (Rừng tự nhiên 4,55 ha; rừng trồng 41,93 ha) đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tại Văn bản số 7051/BNN-KL ngày 03/10/2023.
Qua giám sát, Ban nhận thấy, đối với các dự án trên UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng; rà soát nhu cầu thực tế, xác định vị trí, ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng, đảm bảo thống nhất giữa hồ sơ và thực địa, phù hợp với chỉ tiêu đất rừng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Về thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế, chủ đầu tư đã thực hiện nộp đủ tiền trồng rừng thay thế với 02 dự án: Công trình Cải tạo, nâng cấp đường kết nối từ trung tâm xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn của tỉnh Bắc Kạn với xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình của tỉnh Cao Bằng; Dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể. Riêng Dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn, hiện nay nhà đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương chuyển kinh phí về tài khoản Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông để chi trả số tiền trên, tuy nhiên nhà đầu tư chưa thực hiện.
Đoàn giám sát thực địa một vị trí chuyển MĐSD rừng của Dự án tuyến đường thành phố Bắc Kạn – Hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang
Về kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về chuyển mục đích sử dụng rừng
Tổng số công trình, dự án đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là 339 công trình, dự án với tổng diện tích rừng chuyển sang mục đích khác là 570,23 ha rừng trồng.
Dự án đã hoàn thành việc trồng rừng thay thế được UBND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng:
- Tổng số công trình, dự án chủ đầu tư tự thực hiện trồng rừng thay thế: các chủ đầu tư không thực hiện tự trồng rừng thay thế mà thực hiện nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ phát triển đất, rừng và Bảo vệ môi trường tỉnh.
- Tổng số công trình, dự án nộp tiền trồng rừng thay thế: 88 công trình, dự án với diện tích là 159,91 ha/248,00 ha (giảm 88,10 ha so với diện tích rừng đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương); số tiền đã nộp của 88 công trình, dự án là 12.414.543.994 đồng. Theo quy định tại khoản 1, Điều 21 Luật Lâm nghiệp quy định "chủ dự án được giao đất, cho thuê đất có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải trồng rừng thay thế bằng diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng trồng và bằng ba lần diện tích bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng tự nhiên", vì vậy các chủ đầu tư chỉ đề nghị nộp tiền trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng chuyển mục đích thực tế và đã được UBND tỉnh chấp thuận, đối với diện tích có rừng đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương nhưng không chuyển mục đích sử dụng, các chủ đầu tư dự án cũng cam kết giữ nguyên hiện trạng.
Số dự án chưa nộp hết tiền trồng rừng thay thế là 04 công trình, dự án với diện tích là 45,14 ha (Dự án Hạ tầng kỹ thuật trung tâm thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn (vị trí lấy đất đắp) do UBND huyện Ba Bể làm chủ đầu tư; Dự án trang trại trồng trọt-chăn nuôi Bảo Tiến do Công ty cổ phần thiết bị máy Bảo Tiến làm chủ đầu tư; Thủy điện Thác Giềng 1 và Thủy điện Thác Giềng 2 do Công ty cổ Phần Sông Đà Bắc Kạn làm chủ đầu tư); Số tiền đã nộp: 420.930.225 đồng; tổng số tiền còn phải nộp của 4 dự án: 888.934.660 đồng
Số dự án chưa thực hiện trồng rừng thay thế là 234 công trình, dự án với diện tích là 245,69 ha, trong đó: Có 226 công trình, dự án với diện tích 169,98 ha được HĐND tỉnh phê duyệt trước thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020. Có 08 công trình, dự án với diện tích 75,71 ha được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại các nghị quyết sau khi Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ có hiệu lực.
Về kết quả thực hiện trồng rừng thay thế, tổng diện tích đã giao kế hoạch trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh là 348,899 ha, trong đó: Năm 2020 là 35,00 ha; năm 2021 là 52,62 ha; năm 2022 là 66,89 ha; năm 2023 là 194,389 ha. Diện tích trồng rừng thay thế các năm 2020, 2021, 2022 về cơ bản là sinh trưởng và phát triển tốt, tuy nhiên còn có một số diện tích mật độ chưa đảm bảo, cây trồng sinh trưởng phát triển kém do đất đai cằn cỗi, cỏ dại xâm lấn, khí hậu, thời tiết… Diện tích trồng rừng thay thế giao nhiệm vụ năm 2023, hiện nay các chủ đầu tư được giao nhiệm vụ đang tiến hành xây dựng hồ sơ thiết kế, dự toán trình UBND tỉnh phê duyệt theo đúng quy định, diện tích rừng trồng thay thế dự kiến được trồng trong năm 2024.
Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có diện tích trồng rừng thay thế được nghiệm thu hoàn thành, vẫn đang trong giai đoạn đầu tư. Chưa có diện tích rừng sau đầu tư được giao cho các đơn vị, địa phương quản lý.
Những hạn chế vướng mắc và nguyên nhân
Hạn chế, vướng mắc trong chuyển mục đích sử dụng rừng: Việc chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng rừng thực hiện chưa đồng bộ, thống nhất theo quy định tại khoản 5, Điều 14 Luật Lâm nghiệp và khoản 2, Điều 42 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Do đó, việc quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với một số công trình, dự án chậm và xảy ra tình trạng một số diện tích đất của dự án theo cơ sở dữ liệu quản lý của ngành nông nghiệp là đất lâm nghiệp nhưng theo cơ sở dữ liệu quản lý của cơ quan tài nguyên là đất nông nghiệp khác. Một số công trình, dự án chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch (diện tích thu hồi để thực hiện không nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chưa được điều chỉnh đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng). Một số dự án chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng hết diện tích được thông qua tại Nghị quyết của HĐND tỉnh nhưng Quyết định của UBND tỉnh đã cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất đối với toàn bộ diện tích rừng được HĐND tỉnh thông qua. Việc nộp tiền trồng rừng thay thế và diện tích thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng của chủ đầu tư khi được phê duyệt chưa được gửi đến UBND các huyện, thành phố, do đó khó khăn trong quản lý. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn chưa được thường xuyên do đó vẫn còn để xảy ra tình trạng chủ đầu tư tự ý thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác ngoài phạm vi, ranh giới được cấp có thẩm quyền cho phép. Việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng để chuyển sang mục đích làm nhà ở của các hộ gia đình có diện tích nhỏ, khó khăn trong việc lập dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hạn chế, vướng mắc trong thực hiện trồng rừng thay thế: Theo quy định tại Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chủ dự án phải nộp đủ số tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh để tổ chức trồng rừng thay thế”. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa quy định về việc phải tính lại tiền trồng rừng thay thế tại thời điểm nộp, tính phạt chậm nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp không có quy định xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền trồng rừng thay thế mà chỉ quy định xử phạt đối với hành vi chậm trồng rừng thay thế. Vì vậy, chưa tạo được sự công bằng giữa đơn vị tuân thủ pháp luật và đơn vị chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật. Về thời gian chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế trong trường hợp UBND cấp tỉnh bố trí đất để trồng rừng trên địa bàn (đối với Chủ dự án không tự trồng rừng thay thế) tại điểm b, khoản 5, Điều 4 Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định “Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày được giao nhiệm vụ, chủ đầu tư lập dự toán, thiết kế gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt”, khoảng thời gian như trên chưa đảm bảo để chủ đầu tư nghiên cứu, lập dự toán, thiết kế gửi Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định. Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Đấu thầu, do vậy quy định thời gian 20 ngày thì chủ đầu tư không đảm bảo thời gian thực hiện.
Tại thời điểm giám sát còn 234/339 công trình, dự án chưa thực hiện các quy định về trồng rừng thay thế với tổng diện tích 245,69ha; còn 04 dự án với diện tích 45,14 ha chưa nộp tiền trồng rừng thay thế hoặc chưa nộp hết tiền trồng rừng thay thế. Số kinh phí hiện nay UBND tỉnh chưa phân bổ trồng rừng thay thế còn lớn (20.437 triệu đồng). Về quỹ đất trồng rừng thay thế, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 234 công trình, dự án đã được HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nhưng chưa thực hiện các quy định về trồng rừng thay thế (tổng diện tích phải trồng rừng thay thế là 245,69 ha). Số tiền còn tồn ở Quỹ bảo vệ và phát triển rừng là 20.437 triệu đồng chưa được phân bổ để trồng rừng thay thế, trong khi quỹ đất trống thuộc quy hoạch lâm nghiệp đủ điều kiện và có khả năng thực hiện trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh hiện còn khoảng 775,405 ha.
Nguyên nhân là do một số chủ đầu tư chưa chấp hành tốt việc chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế hoặc có chủ trương nhưng không triển khai thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương chưa được thực hiện thường xuyên.
Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã có các kiến nghị, đề nghị với Đối với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đầy đủ, kịp thời cho tổ chức, cá nhân hiểu và nắm chắc các quy định của pháp luật về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và các quy định về trồng rừng thay thế. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn; quản lý theo đúng vị trí, ranh giới, diện tích được phê duyệt, kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Kiểm tra, giám sát việc tổ chức trồng rừng thay thế của các đơn vị được giao làm chủ đầu tư đảm bảo đúng quy định. Gửi phương án trồng rừng thay thế; số tiền các chủ đầu tư đã nộp tiền trồng rừng thay thế về địa phương nơi có công trình, dự án để thuận lợi trong việc theo dõi, giám sát…