Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

( Cập nhật lúc: 29/08/2024  )

Để thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 6 nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã được khai mạc vào ngày 27/8/2024. Theo Chương trình, Hội nghị sẽ diễn ra trong thời gian 3 ngày, từ ngày 27 đến hết ngày 29/8/2024 và được tổ chức theo hình thức họp tập trung tại phòng Thăng Long, Nhà Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Sáng 27/8/2024, một trong những nội dung của Hội nghị là thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, dự án Luật đã được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Đây là một dự án luật mới, thể hiện chính sách rất nhân đạo, nhân văn của Quốc hội, của Nhà nước đối với người chưa thành niên phạm tội.

Tham gia góp ý đối với dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy quan tâm một số nội dung:

Về các tội danh được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng và các tội không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Đại biểu thấy rằng, nếu như chỉ nghiên cứu Điều 38 của dự thảo luật sẽ chưa đầy đủ. Bởi vì để nói được về các tội áp dụng xử lý chuyển hướng và tội không áp dụng xử lý chuyển hướng thì bắt buộc phải nghiên cứu 4 điều luật:

Thứ nhất, là Điều 35 về các nguyên tắc áp dụng xử lý chuyển hướng và trong đó đưa ra nguyên tắc nào áp dụng xử lý chuyển hướng, có 3 nguyên tắc và thứ hai là nguyên tắc lựa chọn biện pháp xử lý chuyển hướng cũng đã được quy định tại Điều luật.

Thứ hai, phải nghiên cứu Điều 37 về các trường hợp được áp dụng xử lý chuyển hướng. Điều 38 là các trường hợp không được áp dụng xử lý chuyển hướng và Điều 51 là điều về áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đưa vào trường giáo dưỡng. Là một trong 4 thành viên của Ủy ban Tư pháp tham gia vào tổ nghiên cứu, đại biểu báo cáo thêm đối với vấn đề áp dụng hay không áp dụng xử lý chuyển hướng thì có 4 điều luật này ràng buộc chặt chẽ với nhau, nếu chỉ nghiên cứu một điều luật sẽ chưa phản ánh được đầy đủ việc áp dụng hay không áp dụng.

Đối với việc áp dụng xử lý chuyển hướng hay không áp dụng xử lý chuyển hướng, có 05 vấn đề cụ thể:

Một là, pháp luật hiện hành quy định đối với lứa tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, tức là nhóm 14 đến 16 tuổi thì không được áp dụng xử lý chuyển hướng đối với 14 tội danh cụ thể. Đối với người 14-16 phải chịu trách nhiệm hình sự về 28 tội, trong đó có 14 tội không được áp dụng xử lý chuyển hướng và với 14 tội này thì người 14 đến 16 tuổi chỉ có 2 con đường, một là phải áp dụng hình phạt và hai là phải áp dụng biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng do Bộ Công an trực tiếp quản lý. Với 14 tội danh này nếu phạm phải mà không phải trường hợp phạm tội với vai trò không đáng kể thì không được áp dụng xử lý chuyển hướng tại cộng đồng với 3 biện pháp hiện nay.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Pháp luật hiện hành với 14 tội này chỉ có 2 con đường là hình phạt hoặc trường giáo dưỡng, tính nhân văn cũng đang có vấn đề cần phải xem xét, đó là thời gian tạm giam đối với các cháu sẽ rất dài, ví dụ đối với tội rất nghiêm trọng các cháu phạm vào 14 tội này thời gian tạm giam tối đa lên đến 1 năm. Như vậy thời gian tạm giam đối với 14 tuổi - là các cháu đang học lớp 8 còn ngồi trên ghế nhà trường, như vậy cần phải hết sức xem xét.

Hai là, về hoàn cảnh của người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phạm tội hiện nay. Thực tiễn kết quả khảo sát của Ủy ban Tư pháp tại 3 điểm, ở Ninh Bình, Đồng Nai và ở Đà Nẵng, cả nước chỉ có 3 trường giáo dưỡng: tại trường Đồng Nai, 64% các cháu có hoàn cảnh bố mẹ ly hôn, ly thân, mồ côi cha mẹ hoặc bố mẹ đang trong tù phải chấp hành án, tức là 100 cháu có 64 cháu rơi vào hoàn cảnh đặc biệt như vậy. Trường tại Đà Nẵng có 53% các cháu rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, tương tự như vậy trường tại Ninh Bình thấp nhất là 24%. Với hoàn cảnh gia đình này của các cháu, dù là các cháu lầm lỡ ở lứa tuổi trẻ này nhưng rất đáng được Nhà nước quan tâm, khi các cháu phạm tội cũng cần có những chính sách đặc biệt, nhân văn.

Ba là, yêu cầu của Đảng: Đảng ta rất quan tâm đến trẻ em, kể cả các cháu có vi phạm pháp luật hoặc phạm tội, đặc biệt Chỉ thị số 28 của Bộ Chính trị ngày 25/12/2023 vừa rồi là Chỉ thị gần nhất, lần đầu tiên Đảng ta đặt vấn đề phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em. Với việc Quốc hội đưa luật này vào trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và đến thời điểm này đã có được một dự thảo luật đang thể chế hóa yêu cầu của Đảng về xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện.

Bốn là, đối với dự thảo hiện nay, để thể chế hóa yêu cầu của Đảng về thân thiện đã có rất nhiều chính sách, một trong những chính sách rất quan trọng là đã chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng của Bộ Công an hiện nay chuyển thành biện pháp xử lý chuyển hướng. Với chính sách này của dự thảo có thể là chỉ đến giai đoạn điều tra, các điều tra viên, cơ quan điều tra thấy các cháu có đủ điều kiện theo luật định được áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, có thể là 1 tháng đầu có đầy đủ các chứng cứ, tài liệu có thể lập hồ sơ gửi sang Tòa án đề nghị Tòa án đưa các cháu vào trường giáo dưỡng. Như vậy thay vì tạm giam 12 tháng đối với các cháu, gián đoạn quyền học tập, học nghề của các cháu thì bằng một biện pháp là chuyển, cũng là biện pháp vào trường giáo dưỡng, không đưa ra cộng đồng nhưng chuyển thành biện pháp xử lý chuyển hướng như thế thì các cháu có thể chỉ áp dụng biện pháp tạm giam đến 1 tháng thay vì 12 tháng.

Đại biểu cũng phân tích thêm, với 14 tội hiện hành không cho các cháu từ 14 đến 16 tuổi được áp dụng xử lý chuyển hướng, dự thảo luật quy định là 5/14 tội không được áp dụng xử lý chuyển hướng, chỉ đi theo một con đường duy nhất, đấy là hình phạt. 9 tội còn lại cũng được áp dụng như hiện hành, chỉ đi theo 1 trong 2 con đường. Một là áp dụng hình phạt và hai là xử lý chuyển hướng nhưng ở tại trường giáo dưỡng do Bộ Công an trực tiếp quản lý, tức là với 9 tội còn lại/14 tội này cũng không được áp dụng xử lý chuyển hướng tại cộng đồng. Với cách đi này của dự thảo sẽ thể hiện được yêu cầu của Đảng là xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em./.

Hoàng Ngọc Hoa,Chuyên viên Phòng Công tác Quốc hội
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP