Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội ban hành Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

( Cập nhật lúc: 15/07/2024  )

Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, được các vị ĐBQH và cử tri, Nhân dân cả nước quan tâm.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Bên cạnh những vấn đề về công tác lập pháp và giám sát, Nghị quyết nêu rõ nhiều nội dung được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp như:

Về cải cách tiền lương: Căn cứ Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị và Báo cáo số 329/BC-CP ngày 21/6/2024 của Chính phủ, Quốc hội thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024. Trong đó, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (gồm: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 01/7/2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 01/01/2025) và thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW trong khu vực công theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quy định tiền lương, chế độ chính sách đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc Văn phòng Quốc hội và các đối tượng khác thuộc thẩm quyền theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 và Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15: Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và Nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của các luật; bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm; không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho địa phương, người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của đối tượng chịu tác động, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng. Đồng thời, Chính phủ bảo đảm và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các luật từ ngày 01/8/2024; chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời các văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra vướng mắc do thiếu văn bản cụ thể hóa.

Về điều chỉnh một số nội dung liên quan chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030: Quốc hội thống nhất giao Chính phủ chỉ đạo rà soát và quyết định ban hành danh mục đầu tư cụ thể đối với: các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc; các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; các trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến huyện; các di tích, dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, nằm trong và ngoài danh mục địa bàn xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định hiện hành, ưu tiên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc điều chỉnh bảo đảm các nguyên tắc, hiệu quả đầu tư và mục tiêu chương trình theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội và không vượt quá tổng mức vốn của Chương trình đã được Quốc hội quyết định trong giai đoạn 2021- 2025.

Nghị quyết này được Quốc hội khóa XV thông qua trong phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7 (ngày 29 tháng 6 năm 2024)

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP