Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Dấu ấn nghị trường của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

( Cập nhật lúc: 02/07/2024  )

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã khép lại với những đánh giá tích cực trong các hoạt động tại nghị trường. Đây là kỳ họp có khối lượng công tác lập pháp và các nội dung Quốc hội cần cho ý kiến nhiều nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần trách nhiệm cao, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã tích cực tham gia có hiệu quả các nội dung chương trình nghị sự, góp phần quan trọng vào thành công chung của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tại Kỳ họp, các vị ĐBQH tỉnh tham gia đầy đủ tất cả các phiên họp và các hoạt động của các cơ quan Quốc hội tổ chức. Trong 36 buổi thảo luận Hội trường, 13 buổi thảo luận Tổ, 4 buổi thảo luận Đoàn, đã có gần 30 lượt ĐBQH trong Đoàn tham gia phát biểu với hơn 100 ý kiến, kiến nghị quan trọng, tích cực đóng góp vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; xây dựng các dự án luật và nghị quyết.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì, điều hành Tổ thảo luận số 3.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục được tín nhiệm, phân công làm Tổ trưởng Tổ thảo luận số 3 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Nghệ An) trong các buổi thảo luận tại Tổ về: Dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Dự thảo Nghị quyết về việc giảm thuế giá trị gia tăng; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu thảo luận về kinh tế- xã hội 

Về công tác lập pháp và xem xét các vấn đề quan trọng của quốc gia, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh đã phân công các đại biểu tập trung nghiên cứu sâu từng dự án luật và các dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua và cho ý kiến lần đầu. Trước đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức các cuộc khảo sát, tiếp xúc cử tri chuyên đề, làm việc với Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh để nắm bắt những khó khăn, bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương để làm cơ sở, căn cứ thực tiễn cho các đại biểu chủ động nghiên cứu, lựa chọn vấn đề, tích cực tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ và hội trường.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Hồ Thị Kim Ngân chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tích cực góp ý hoàn thiện các dự án Luật, các vị ĐBQH trong Đoàn đã đóng góp nhiều lượt ý kiến đối với hầu hết các dự án Luật trong chương trình kỳ họp như: Luật Đường bộ; Luật BHXH (sửa đổi); Luật Tổ chức TAND (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Dược; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật PCCC và CNCH; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)…

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thảo luận về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi 

Tham gia thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025- 2035, nhiều nội dung góp ý, kiến nghị chuyên sâu, xuất phát từ thực tiễn của ĐBQH tỉnh ta đã được chủ trì điều hành các phiên họp đánh giá cao và đề nghị các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu như: Đề nghị Chính phủ sớm thanh toán số kinh phí khoán bảo vệ rừng năm 2021 hiện còn nợ người dân theo đúng quy định tại Nghị quyết số 109/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội; đề nghị có Bộ tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi thống nhất làm cơ sở đánh giá về trình độ phát triển, điều kiện thổ nhưỡng, địa hình, địa chất của các địa bàn và có các tiêu chí phù hợp để người dân được hưởng thụ hưởng các chính sách đúng với thực tiễn; có giải pháp quản lý, xử lý tình trạng bán và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; đề nghị Chính phủ có những giải pháp bình ổn giá cả các mặt hàng trên thị trường khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương; cần có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân người dân tộc thiểu số.

ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tích cực tham gia thảo luận tại Tổ

Bên cạnh đó, các ĐBQH trong Đoàn đã đề xuất các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, bất cập đang gặp phải trong quá trình triển khai Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030 như: đề nghị bổ sung thêm hình thức hỗ trợ bằng tiền cho hộ dân mua đất ở, đất sản xuất đối với các địa phương không có quỹ đất ở, đất sản xuất; bổ sung đối tượng hộ gia đình là người Kinh sinh sống lâu năm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (không phải là hộ nghèo) được hưởng chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 3 - Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; các xã khu vực II, khu vực III khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, được tiếp tục thực hiện các chính sách như đối với xã khu vực III, xã khu vực II đến hết giai đoạn; học sinh THCS hiện đang sinh sống tại thôn, xã ĐBKK đi học tại các trường thuộc địa bàn xã khu vực I được hưởng các chính sách hỗ trợ tiền ăn, nhà ở, hỗ trợ gạo theo quy định như học sinh đang sinh sống tại thôn, xã ĐBKK đi học tại các trường nằm trong xã khu vực II, khu vực III...

Thực hiện quyền giám sát tối cao, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương 2 vấn đề: (1) Giải pháp để tạo điều kiện cho các địa phương thu hút được các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia chế biến nông, lâm, thủy sản; phát triển nông nghiệp, nông thôn bằng những chính sách thu hút, ưu đãi hơn; (2) Giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thời gian tới trong bối cảnh doanh thu giảm, tình trạng mất đơn hàng từ nhiều thị trường đang diễn ra, đối mặt với hai nút thắt lớn về vốn và chi phí, làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của nhiều nước vào Việt Nam đang diễn ra với quy mô lớn và nhanh. Đồng thời, chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về giải pháp để xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi di sản văn hóa và môi trường.

Với việc triển khai công tác chuẩn bị từ sớm của Đoàn ĐBQH tỉnh và sự nỗ lực, chủ động, tích cực, tinh thần trách nhiệm cao của từng ĐBQH trong suốt kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã có những đóng góp thiết thực, hiệu quả vào thành công của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV, cùng Quốc hội đưa ra những quyết sách quan trọng, góp phần hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP