Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

( Cập nhật lúc: 15/11/2022  )

Ngày 14/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường để thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trước đó, đầu phiên họp buổi sáng Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) và thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) phát biểu góp ý Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là vấn đề quan trọng được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, kỳ vọng. Chính vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định mời đại diện Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND và Sở Tài nguyên – Môi trường một sổ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia dự thính phiên họp này.

Tham gia thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đánh gía cao quá trình nghiên cứu, sửa đổi dự án Luật Đất đai đã được tiến hành công phu, nghiên túc; việc tổng kết thực tiễn và lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đã được tiến hành kỹ lưỡng nên có nhiều thông tin; cơ quan soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lắng nghe, cầu thị trong quá trình sửa đổi dự án Luật.

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia phiên họp thảo luận Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Góp ý vào quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị cần cân nhắc đối với sửa đổi này. Vì pháp luật nước ta luôn giao cho Ủy ban nhân dân là một trong những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Đại biểu nêu rõ, đây là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về đất đai cho nên việc thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc đất, liên quan đến quá trình sử dụng đất rất thuận lợi do các hồ sơ, tài liệu này đều đang được lưu giữ tại cơ quan hành.

Đại diện Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND và Sở Tài nguyên – Môi trường một sổ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia dự thính Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Việc Dự thảo Luật quy định giao cho hai cơ quan cùng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân là nhằm tạo điều kiện cho người dân có thêm được sự lựa chọn cơ quan giải quyết việc tranh chấp của mình. Đại biểu Thủy phân tích, trong đó cơ chế giải quyết thông qua Ủy ban nhân dân thì thủ tục thường đơn giản hơn và người dân lại không phải nộp lệ phí. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị tiếp tục giữ quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân như quy định của pháp luật hiện hành để tạo điều kiện cho người dân và có thêm sự lựa chọn về cơ chế giải quyết tranh chấp.

Quan tâm đến chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Nguyễn Thị Thủy tán thành với dự thảo của Chính phủ trình phân cấp việc này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Vì quy định như dự thảo là phù hợp với Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 vừa qua về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, với các địa phương nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống thì sẽ thực hiện tốt thẩm quyền được phân cấp này. Còn nếu giao cho Chính phủ thì sẽ rất khó cho Chính phủ để quy định bảo đảm thống nhất và phù hợp với tất cả các địa phương.

Kết thúc trọn vẹn một ngày thảo luận với hơn 40 đại biểu phát biểu và tranh luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời xem xét, cân nhắc tham mưu với Chính phủ từng bước hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội tiếp tục xem xét tại kỳ họp sau.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP