Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thông qua các Nghị quyết về Ngân sách nhà nước năm 2023

( Cập nhật lúc: 12/11/2022  )

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 11/11 Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ 19 với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và điều hành của các Phó Chủ tịch Quốc hội.

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023

Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, trong Báo cáo tiếp thu, giải trình do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cần điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 01/01/2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương. Tuy nhiên, nếu áp dụng tăng lương từ ngày 01/01/2023 thì đúng vào thời điểm đầu năm gần với Tết Dương lịch và Âm lịch. Đây là thời điểm nhạy cảm, nhu cầu mua sắm sử dụng hàng hóa dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh, tạo sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây áp lực đối với việc kiểm soát lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tại Nghị quyết này, Quốc hội thống nhất bổ sung, điều chỉnh dự toán NSNN năm 2022 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhiều nội dung cụ thể.

Đoàn Chủ tịch bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023

Sau đó, với số phiếu tán thành cao, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, trong đó: Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.620.744 tỷ đồng; Tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.076.244 tỷ đồng; Mức bội chi ngân sách nhà nước là 455.500 tỷ đồng, tương đương 4,42% tổng sản phẩm trong nước (GDP); Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 648.213 tỷ đồng.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Các đại biểu đã đề nghị Ban soạn thảo xem xét, điều chỉnh các quy định cụ thể nhằm bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật và điều ước quốc tế; làm rõ các quy định về dữ liệu trong giao dịch điện tử; cân nhắc quy định cụ thể trình tự thực hiện việc chứng thực nhằm bảo đảm tính thống nhất với các quy định của pháp luật về việc chứng thực… Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát biểu giải trình, làm rõ một số ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Buổi chiều cùng ngày, trước khi thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 với 451 ĐBQH tán thành (chiếm 90,5%).

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP