Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035

( Cập nhật lúc: 19/06/2024  )

Hôm nay (19/6), Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ 20.

Buổi sáng, Quốc hội sẽ thảo luận ở Hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Hát then – Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Tày Bắc Kạn

Theo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của Chính phủ trình Quốc hội, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình) có quy mô rất lớn cả về phạm vi, đối tượng và nguồn lực. Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện với các nội dung chính như sau:

Đối tượng thụ hưởng của Chương trình gồm có 7 nhóm là:

1. Người dân, cộng đồng dân cư tại các vùng miền của Tổ quốc.

2. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

3. Đội ngũ văn nghệ sỹ, đội ngũ trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa, công chúng, khán giả, đặc biệt là công chúng trẻ.

4. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

5. Các di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia.

6. Các di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO, di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và một số di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; Các di sản tư liệu được ghi danh vào Danh sách quốc gia, khu vực và thế giới; các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng công lập; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

7. Các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa, sáng tạo; không gian văn hóa công cộng, không gian văn hóa cộng đồng; đội tuyên truyền lưu động; các đồn Biên phòng; các cơ sở, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; các cơ sở giáo dục, đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Về phạm vi và quy mô: Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước (bao gồm tất cả các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn) và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hoá lâu dài, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập; tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa...

Nguồn lực thực hiện Chương trình được chia theo 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 2025-2030, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình dự kiến là 122.250 tỷ đồng, gồm: (1) Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%), trong đó: vốn đầu tư phát triển: 50.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 27.000 tỷ đồng; (2) Vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); bao gồm: vốn đầu tư phát triển: 18.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 12.250 tỷ đồng; (3) Vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%). Trong giai đoạn 2031-2035, dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình là 134.000 tỷ đồng.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Phòng không nhân dân và Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP