Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

( Cập nhật lúc: 28/05/2024  )

Ngày 27/5/2024, Quốc hội dành thời gian 01 ngày để thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành.

Tại phiên thảo luận, Quốc hội đã được nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 147 điều (tăng 01 chương; tăng 11 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình). Dự thảo đã tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, làm rõ hơn nhiều vấn đề, bổ sung nhiều nội dung.

Tham gia góp ý đối với dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội tỉnh đã có nhiều ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận hội trường.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Hồ Thị Kim Ngân thảo luận góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)

Liên đến các nội dung quy định của dự thảo Luật, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Hồ Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét một số nội dung sau:

Về đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại Điều 20, đề nghị nghiên cứu, xem xét lại nội dung quy định đảm bảo phù hợp, thống nhất và đúng thẩm quyền. Bởi lẽ khoản 1 quy định thẩm quyền Quốc hội quyết định độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, tuy nhiên khoản 3 của Điều luật lại giao thẩm quyền quyết định điều chỉnh giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo Luật cũng có quy định đối với đối tượng được ưu tiên, theo đó người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì chỉ cần “từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi” sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Tuy nhiên, quy định về giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì chỉ đối với trường hợp “Đủ 75 tuổi trở lên”. Để quy định phù hợp, thống nhất, đề nghị xem xét theo hướng khi giảm dần độ tuổi ở điểm a khoản 1 thì đồng thời độ tuổi đối với trường hợp ở khoản 2 cũng sẽ giảm tương ứng, nếu không sẽ dẫn đến có thể có trường hợp khi giảm độ tuổi nhiều lần ở điểm a khoản 1 sẽ về bằng với độ tuổi tại khoản 2 (lúc này sẽ không còn là quy định ưu tiên nữa và trường hợp này người hưởng bình thường với người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn độ tuổi lại là như nhau).

 

Về điều kiện hưởng chế độ thai sản tại Điều 52, khoản 1 quy định đối tượng được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp theo quy định và không có trường hợp là “người trực tiếp nuôi dưỡng”. Tuy nhiên, khi đối chiếu với một số quy định khác trong dự thảo Luật (khoản 5, khoản 6 Điều 55; khoản 2 Điều 5) thì trong một số trường hợp nhất định người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản. Do đó, đề nghị rà soát bổ sung trường hợp “người trực tiếp nuôi dưỡng” vào khoản 1 Điều 52 dự thảo Luật đảm bảo đầy đủ, thống nhất.

Về tạm dừng, chấm dứt, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng tại Điều 78, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đã có phân tích, đối chiếu nội dung giữa khoản của Điều luật và đề nghị để đảm bảo quyền lợi của người được hưởng thì cần quy định khi căn cứ tạm dừng không còn thì phải tiếp tục thực hiện việc chi trả bao gồm tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng của thời gian chưa nhận; đồng thời tại khoản 4 Điều 78, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về người thừa kế để đảm bảo đầy đủ, thống nhất.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đề nghị xem xét tích hợp 02 phương án bảo hiểm xã hội một lần.

Cùng quan tâm đến nội dung dự thảo Luật này, trong phiên làm việc buổi chiều, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đề nghị bỏ quy định Tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại khoản 1 Điều 21 do trùng lặp nội dung với khoản 6 Điều 7 dự thảo; đồng thời, đối với quy định giao địa phương ban hành chính sách hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu đề nghị cân nhắc nghiên cứu kỹ lưỡng hơn việc giao địa phương quy định về nội dung này tại khoản 6 Điều 7 và khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật, để tránh tâm lý “so sánh” giữa người dân ở các địa phương do điều kiện hỗ trợ khác nhau.

Về đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại khoản 2 Điều 20, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cho tất cả công dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo từ đủ 70 tuổi trở lên được hưởng chính sách trợ cấp hưu trí xã hội này. Về bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu đề xuất tích hợp cả 2 phương án đang được đề xuất trong dự thảo Luật.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã tiếp thu, giải trình một số nội dung ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu toàn bộ và tiến hành chỉnh lý dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, xin ý kiến về việc thông qua hay không thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp này./.

Triệu Tuyên

Tin cùng chuyên mục


Quốc hội thảo luận Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ(27/05/2024)

Quốc hội thảo luận tổ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030(27/05/2024)

4 Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV(25/05/2024)

Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri(24/05/2024)

Quốc hội thảo luận tổ về kinh tế - xã hội(24/05/2024)

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ(23/05/2024)

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản(22/05/2024)

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận dự án Luật Đường bộ(21/05/2024)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức nhiều hoạt động tại địa phương trước khi tham dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV(17/05/2024)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc chấp hành pháp luật về tư pháp người chưa thành niên và lấy ý kiến dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên(16/05/2024)

ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP