Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận tổ về kinh tế - xã hội

( Cập nhật lúc: 24/05/2024  )

Sáng 23/5/2024, Quốc hội thảo luận tại Tổ về kinh tế - xã hội. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận tại Tổ số 03 cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An và tỉnh Quảng Ngãi.

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội 

Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Qua nghiên cứu các báo cáo và từ tình thực tiễn tại địa phương, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã có nhiều ý kiến phát biểu thảo luận tại Tổ.

Liên quan đến các nội dung hiện nay địa phương thực hiện đang vướng mắc, đại biểu Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo thực hiện một số nội dung như sớm thực hiện thanh toán số kinh phí khoán bảo vệ rừng năm 2021 hiện nay còn nợ người dân theo đúng tinh thần được quy định tại Nghị quyết số 109/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn là “hoàn thành trong Quý I năm 2024”; về vướng mắc trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, do tiêu chí đối với đơn vị chủ trì liên kết dự án có sự thay đổi giữa Thông tư số 10/2022/TT-BYT ngày 22/9/2022 của Bộ Y tế hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý và Quyết định số 1486/QĐ-BYT ngày 21/3/2023 về việc ban hành Sổ tay hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, đại biểu đề nghị Bộ Y tế xem xét, chấp thuận kết quả lựa chọn đơn vị chủ trì liên kết đã được địa phương tổ chức thực hiện theo Thông tư số 10/2022 để tháo gỡ vướng mắc cho địa phương; đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp để phù hợp với quy định tại Điều 248 Luật Đất đai năm 2024…

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cần có bộ tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi thống nhất, để trên cơ sở đó đánh giá được về trình độ phát triển, điều kiện thổ nhưỡng, địa hình, địa chất của các địa bàn và có các tiêu chí phù hợp để người dân được hưởng thụ hưởng các chính sách đúng với thực tiễn. Quan tâm đến tình trạng bày bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (thuốc lá thế hệ mới) và những hệ lụy đối với sức khỏe, đại biểu đề nghị cần có giải pháp căn cơ để xử lý được vấn đề này, theo đó cần sửa đổi, bổ sung quy định cấm mua bán, sử dụng đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (thuốc lá thế hệ mới) trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, cần cấm tuyệt đối và trước mắt các cơ quan chức năng cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với vấn đề này. Liên quan đến bảo mật thông tin của cơ quan nhà nước, đại biểu đề nghị cần được quản lý chặt chẽ hơn để thông tin đến người dân một cách chính thống; đề nghị phát huy hiệu quả việc thăm khám sức khỏe của người dân tại các tuyến khám, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh, nhất là đối với tuyến ban đầu, tuyến cơ sở; đề nghị Chính phủ quan tâm và chỉ đạo đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân tại các vùng lõm sóng, nhất là trong giai đoạn hiện nay đang đẩy mạnh mẽ về chuyển đổi số; phản ánh tình trạng việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, ảnh hưởng đến công tác triển khai thực hiện, công tác hoàn thiện thể… đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo các Bộ, ngành tham mưu, ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành kịp thời.

Cùng quan tâm đến công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đề nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo sâu hơn về công tác này, nhất là liên quan đến nội dung quy định tại các Nghị định, Thông tư đã đảm bảo với quy định của Luật gốc hay chưa; về thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng cần quan tâm quán triệt, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về nội dung này có gắn đến các tình huống cụ thể để đảm bảo việc chấp hành được nghiêm túc, tránh được những lỗi vô ý khi thực hiện; đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức cấp chứng chỉ tiếng Anh, để tránh tình trạng vi phạm trong việc cấp chứng chỉ tiếng Anh như thời gian vừa qua…

Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quan tâm đến việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương sẽ tác động đến các lĩnh vực của đời sống xã hội như giá cả các mặt hàng trên thị trường, về phụ cấp thâm niên theo nghề…, đại biểu đề nghị cần quan tâm có chính sách bình ổn giá để đảm bảo đời sống của người dân và nghiên cứu đánh giá cụ thể về quy định phụ cấp thâm niên nghề; đề nghị Chính phủ quan tâm đối với những xã đạt chuẩn nông thôn mới ở vùng miền núi, khó khăn cần có chính sách đảm bảo an sinh xã hội tiếp tục được thực hiện; đề nghị xem xét hỗ trợ nhà ở cho người dân đã được hỗ trợ theo Chương trình 134, 135 nay đã hư hỏng nhưng không được hưởng hỗ trợ làm nhà theo các chính sách mới, đồng thời phân cấp cho địa phương thực hiện và chịu trách nhiệm trong việc rà soát. Vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, trẻ hóa tội phạm trẻ em cũng là nội dung được đại biểu quan tâm, phân tích đánh giá từ thực trạng xã hội hiện nay và ảnh hưởng của thông tin mạng đến trẻ, do đó cần có đánh giá kỹ lưỡng đối với vấn đề này để đảm bảo trẻ em có môi trường phát triển an toàn…

Triệu Tuyên
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP