Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận dự án Luật Đường bộ
( Cập nhật lúc:
21/05/2024
)
Sáng 21/5/2024, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát biểu thảo luận góp ý dự thảo Luật Đường bộ
Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ trước khi tiến hành thảo luận.
Dự thảo Luật Đường bộ đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ này có 86 điều, giảm 06 điều so với dự thảo Chính phủ đã trình; chỉnh sửa 82 điều, bỏ 07 điều; đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới, sắp xếp lại vị trí của 03 điều.
Về cơ bản các đại biểu nhất trí với nội dung dự thảo Luật đã được tiếp thu, giải trình; đồng thời cho ý kiến đối với từng nội dung cụ thể.
Quan tâm đến dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu điều chỉnh một số nội dung của dự thảo:
Về hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 7, đại biểu đề nghị bổ sung quy định: “Lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật”, vì thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí của các phương tiện tham gia giao thông, nhất là khi xảy ra tình trạng sạt lở trên đường, gây tắc nghẽn cục bộ. Mặt khác, tại điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng đã có quy định xử lý đối với trường hợp này.
Liên quan đến sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ tại Điều 16, đại biểu có nêu: Thực tiễn quản lý đất hành lang an toàn đường bộ đối với đất chưa thu hồi gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định tại Điều 106 Luật Đất đai năm 2024 thì khi xây dựng công trình, khu vực có hành lang bảo vệ an toàn mà không thu hồi đất nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn thì người sử dụng đất được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo quy định của Chính phủ. Do đó, để thuận lợi, rõ ràng và minh bạch trong quá trình áp dụng, đề nghị nghiên cứu, bổ sung cụ thể trong dự thảo Luật phạm vi người sử dụng được thực hiện hay không được thực hiện liên quan đến hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi đất.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị xem xét nghiên cứu điều chỉnh một số quy định của dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất như: Chương IV dự thảo Luật Đường bộ quy định về tổ chức vận tải đường bộ, trong đó có các quy định liên quan đến vận tải hành khách bằng xe ô tô (từ Điều 57 đến Điều 60). Tuy nhiên, đối chiếu với Chương III dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về phương tiện giao thông đường bộ cho thấy cũng có những nội dung liên quan. Theo đó, tại nhiều điều trong dự thảo Luật Đường bộ có quy định nội dung dẫn chiếu đến việc thực hiện của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đề nghị rà soát và chuyển nội dung quy định về tổ chức vận tải đường bộ sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đề nghị chuyển nội dung quy định “Cơ sở dữ liệu về hoạt động vận tải bằng xe ô tô” tại điểm đ khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật Đường bộ sang Điều 8 về cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phù hợp, thuận lợi khi xây dựng cơ sở dữ liệu.
Theo chương trình kỳ họp, dự thảo Luật Đường bộ sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7./.