Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận tổ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030

( Cập nhật lúc: 27/05/2024  )

Chiều 25/5/2024, Quốc hội thảo luận Tổ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tham gia thảo luận tại Tổ

Cơ bản các ý kiến đại biểu đồng tình với 02 nội dung Tờ trình của Chính phủ, cũng như báo cáo thẩm tra của cơ quan Quốc hội.

Tham gia thảo luận góp ý với các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đại biểu Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng chủ trương điều chỉnh chương trình là hết sức cần thiết, xuất phát từ những vướng mắc, nội dung quy định chưa rõ ràng, thống nhất về đối tượng, địa bàn triển khai thực hiện một số dự án, tiểu dự án trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nghề…  Bên cạnh đó, đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị những khó khăn, vướng mắc của chương trình cần được quan tâm tháo gỡ sớm để triển khai thực hiện chương trình được hiệu quả như việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các đối tượng theo chương trình 134, 135 nay nhà ở đã xuống cấp thì có được hỗ trợ theo chương trình này hay không? Về thực hiện dự án phát triển vùng trồng cây dược liệu, do chưa có sự thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn nên địa phương hiện nay đang gặp vướng mắc, chưa thực hiện được; việc không còn được thụ hưởng chính sách của người dân đang sinh sống tại các xã thuộc khu vực 2, khu vực 3 sau khi đạt xã nông thôn mới… Đây là những vấn đề được nhiều địa phương đã kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ, đề nghị cần sớm xem xét sửa đổi.

Theo Tờ trình của Chính phủ, nội dung đề xuất điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 gồm:

Điều chỉnh nguồn vốn thực hiện Chương trình là “Nguồn vốn đầu tư của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm theo các nghị quyết của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương hằng năm và các quy định hiện hành”.

Đồng ý về chủ trương và sự cần thiết đầu tư, hỗ trợ một số đối tượng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, có trụ sở không nằm trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN theo danh sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gồm: Một số đơn vị sự nghiệp công lập là các trường dự bị Đại học, Đại học, trường chuyên biệt (trường Hữu nghị T78, trường Hữu nghị 80, trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc); các trường phổ thông dân tộc nội trú; các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; một số Trung tâm y tế huyện, bệnh viện của huyện có xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận hội trường về nội dung này trước khi Quốc hội bấm nút thông qua.

Trước đó tại phiên làm việc buổi sáng và đầu giờ chiều, Quốc hội đã thảo luận hội trường về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển KTXH và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Với 29 đại biểu phát biểu và 01 đại biểu tranh luận, các đại biểu cơ bản đánh giá cao kết quả giám sát và nỗ lực của Đoàn giám sát, sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan. Kết quả giám sát cơ bản đạt mục tiêu đề ra và thống nhất Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH là quyết sách đúng đắn, kịp thời, góp phần quan trọng vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển KTXH/.

Triệu Tuyên
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP