Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn góp ý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
( Cập nhật lúc:
23/11/2024
)
Sáng 23/11, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc với phiên thảo luận ở tổ về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Phiên thảo luận tại Tổ đại biểu số 12 (gồm đại biểu Quốc hội các Đoàn: Bắc Kạn, Ninh Bình, Quảng Bình, Hưng Yên) do đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn điều hành.
Toàn cảnh thảo luận Tổ
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13), trong đó có nhiều điểm đột phá mới như: Chuyển đổi cách tiếp cận quản lý từ mô hình quản lý pháp nhân doanh nghiệp sang quản lý theo dòng vốn đầu tư, theo đó Nhà nước chỉ thực hiện quyền và nghĩa vụ như một nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp có vốn nhà nước linh hoạt hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh việc phân cấp quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, giúp giảm tải công việc cho Thủ tướng Chính phủ và nâng cao tính tự chủ cho các cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đề xuất các nguyên tắc mới về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường và yêu cầu quản lý vĩ mô; quyền quyết định về chuyển nhượng, hợp nhất hay chia tách doanh nghiệp sẽ thuộc về cơ quan đại diện chủ sở hữu, giúp giảm thời gian và chi phí thủ tục…
Đồng chí Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn thảo luận góp ý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng chí Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết: Tại khoản 4 Điều 6 dự thảo Luật quy định một trong những hành vi bị cấm là “đầu tư vốn không phù hợp với chiến lược, quy hoạch hoặc kế hoạch”. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thấy rằng dự thảo chưa quy định rõ việc quyết định đầu tư vốn như thế nào là không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Dự thảo hiện quy định chung chung như vậy sẽ khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, do đó đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định cụ thể hơn đối với nội dung này để có căn cứ thực hiện thống nhất.
Về nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp quy định tại khoản 6 Điều 8 dự thảo Luật, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Huân cho rằng, cùng với nội dung xây dựng, khai thác, quản lý hệ thống thông tin về quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã quy định trong dự thảo thì đề nghị cần bổ sung nội dung xây dựng, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, để đảm bảo đầy đủ và thống nhất với quy định về quản lý nhà nước.
Đối với quy định về giải thể doanh nghiệp, đại biểu đề nghị bổ sung thêm trường hợp doanh nghiệp giải thể theo quyết định của Tòa án để thống nhất với quy định về giải thể doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 và dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).