Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam
( Cập nhật lúc:
21/11/2024
)
Chiều (20/11), tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường để thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được trình ra Quốc hội lần này dự kiến bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố. Dự án này được thực hiện theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD), có chiều dài tuyến khoảng 1.541km, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm với tốc độ thiết kế 350 km/h. Đường sắt tốc độ cao sẽ vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Quang cảnh phiên họp chiều 20/11
Theo phương án thiết kế sơ bộ, hướng tuyến của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được nghiên cứu và lựa chọn “ngắn nhất có thể”, Dự án hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, đất quốc phòng; giảm khối lượng giải phóng mặt bằng, tránh các khu vực đông dân cư. Trên dọc tuyến cao tốc, Chính phủ dự kiến bố trí 23 ga hành khách, mỗi vị trí ga quy hoạch không gian phát triển từ 200 đến 500ha và 5 ga hàng hóa có quy mô mỗi ga khoảng 24,5ha.
Về tiến độ, Chính phủ tính toán hoàn thành công tác lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế vào năm 2025- 2026, dự kiến khởi công năm 2027 và phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2035.
Các ý kiến thảo luận đều thống nhất cao với chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao, sẽ góp phần tăng cường kết nối các cực tăng trưởng, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, với tổng mức vốn đầu tư lớn, thời gian thực hiện kéo dài 10 năm, các đại biểu đề nghị cần phải xem xét thận trọng, kỹ lưỡng công tác quy hoạch, về công nghệ và phương án triển khai hiệu quả hiệu quả, đúng tiến độ. Các đại biểu cho rằng đây là một dự án đầu tư rất lớn, có tầm quan trọng đối với sự phát triển lâu dài và ảnh hưởng rất nhiều lĩnh vực phát triển của đất nước, do vậy cần phải được đánh giá rất kỹ với góc nhìn đa chiều, lựa chọn được phương án phù hợp nhất. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc khả năng đáp ứng của nguồn lực ngân sách nhà nước cũng như đảm bảo an toàn nợ công vì trong giai đoạn đầu tư Dự án, nước ta cần nguồn lực rất lớn để đảm bảo thực hiện các chủ trương lớn đã ban hành...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu tiếp thu các vấn đề đại biểu nêu
Về điều chỉnh Chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh 3 nội dung: Một là, điều chỉnh phân kỳ đầu tư xây dựng Đường cất hạ cánh số 3 của Dự án từ Giai đoạn 3 sang Giai đoạn 1, để đưa vào khai thác đồng bộ cùng với Giai đoạn 1, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng tốt nhu cầu khai thác liên tục của Cảng hàng không khi một đường cất hạ cánh gặp sự cố, nâng cao hiệu quả đầu tư Dự án; hai là, điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện Giai đoạn 1 của Dự án đến hết ngày 31/12/2026 để tạo điều kiện đồng bộ hạ tầng phụ trợ, các tuyến đường kết nối, nhà ga và các công trình hỗ trợ khác một cách hợp lý hơn, đặc biệt là đồng bộ với thời hạn hoàn thành việc đầu tư xây dựng Đường cất hạ cánh số 3, giúp tối ưu hóa hiệu quả vận hành trong dài hạn; ba là, cho phép Chính phủ không phải báo cáo Quốc hội thông qua, trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 theo thẩm quyền nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án và phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 của Luật Đầu tư công.
Các ý kiến thảo luận cơ bản nhất trí với sự cần thiết và 3 nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn các nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm tiến độ Dự án; làm rõ trách nhiệm và bài học kinh nghiệm đối với việc tổ chức thực hiện Dự án nói riêng và các dự án quan trọng quốc gia khác nói chung, bảo đảm sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp chỉ đạo giải quyết, xử lý những bất cập, hạn chế trong việc triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 để bảo đảm hoàn thành Dự án đưa vào vận hành, khai thác hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã phát biểu, giải đáp và tiếp thu các vấn đề đại biểu nêu./.