Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận về một số dự thảo Nghị quyết quan trọng

( Cập nhật lúc: 21/11/2024  )

Ngày 21/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội làm việc tại Hội trường để biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược và thảo luận về một số dự thảo Nghị quyết quan trọng.

Trong phiên họp buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

Đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết này để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tăng thêm điều kiện tiếp cận đất đai cho phát triển nhà ở thương mại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn cung cấp của nhà ở, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đối với việc cho phép thực hiện thí điểm với đất quốc phòng, đất an ninh, các đại biểu cho rằng đây là cơ chế để chăm lo đời sống cho các cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang cũng như phát huy giá trị, hiệu quả đất quốc phòng an ninh, tuy nhiên đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thông qua danh mục khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm, đồng thời đơn vị được giao thực hiện dự án nhà ở thương mại này phải thỏa mãn các điều kiện pháp luật về đất đai, về nhà ở, kinh doanh bất động sản… theo quy định.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc, quy định chặt chẽ hơn về loại đất nông nghiệp nào được phép chuyển đổi mục đích sử dụng để đảm bảo tính bền vững. Về các điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại, các đại biểu đề nghị cần có các biện pháp để đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc cấp phép, để tránh trục lợi và tránh những rào cản không cần thiết gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Theo Tờ trình của Chính phủ, thời gian thực hiện thí điểm của Nghị quyết này là 5 năm với phạm vi điều chỉnh được thực hiện trên phạm vi toàn quốc để bảo đảm công bằng giữa các địa phương.

Sau đó, Quốc hội họp riêng để thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Trong chương trình làm việc buổi chiều, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược với 426/430 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành.

 Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã làm rõ các khái niệm: Dược liệu (bao gồm cả vị thuốc cổ truyền) là nguyên liệu làm thuốc có nguồn gốc từ thực vật, động vật, khoáng vật, nấm và đạt tiêu chuẩn làm thuốc. Thuốc cổ truyền là thuốc có thành phần từ một hoặc nhiều dược liệu được phối ngũ theo lý luận của y học cổ truyền hoặc theo kinh nghiệm dân gian và được chế biến, bào chế theo phương pháp y học cổ truyền, có dạng bào chế truyền thống hoặc hiện đại.

Đối với chính sách của Nhà nước về Dược, Luật quy định: Bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, giá hợp lý cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của Nhân dân, phù hợp với cơ cấu bệnh tật và yêu cầu quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh. Bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; có chính sách phát triển hoạt động dược lâm sàng và cảnh giác dược. Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp dược thành ngành công nghiệp mũi nhọn.

Đối với các biện pháp quản lý giá thuốc, Luật quy định rõ: Đấu thầu thuốc dự trữ quốc gia, đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật về dự trữ quốc gia. Đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cung cấp thuốc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia, quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật. Công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến đối với thuốc kê đơn, trừ trường hợp được miễn công bố theo quy định của Chính phủ đối với thuốc sản xuất trong nước hoặc thuốc nhập khẩu không vì mục đích thương mại.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược cũng đã bổ sung hành vi cấm bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc kê đơn, trừ trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; thuốc phải kiểm soát đặc biệt và thuốc thuộc Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ; cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử phải bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử, website có chức năng đặt hàng trực tuyến; các đơn vị phải tuân thủ pháp luật về quảng cáo và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo mật thông tin của người mua. Ngoài ra, cơ sở bán lẻ thuốc phải tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách sử dụng cho người mua thuốc và giao thuốc đến người mua theo hướng dẫn chi tiết của Bộ trưởng Y tế.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, trong đó có một số quy định sẽ có hiệu lực từ 01/01/2025, cụ thể là: quy định về gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại khoản 30 Điều 1 của Luật này; quy định về bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại điểm a khoản 19, điểm b khoản 20 và điểm a khoản 21 Điều 1 của Luật này.

Sau đó, các đại biểu thảo luận và tán thành cao với các nội dung dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương và dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng./.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP