Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bổ sung nhiều quy định mới nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

( Cập nhật lúc: 22/11/2024  )

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 sau 8 năm triển khai đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, đóng góp tích cực vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Cùng với sự vận động và phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, trong quá trình thi hành Luật, đến nay đã có nhiều chủ trương, quan điểm, định hướng mới của Đảng liên quan đến đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã được ban hành như Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 17/11/2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, hệ thống văn quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động giám sát được sửa đổi, bổ sung năm 2020 có nhiều quy định tác động trực tiếp đến hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Thực tiễn thi hành Luật cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung phù hợp để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

Để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Tờ trình gửi Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Vừa qua, trong ngày làm việc đầu tiên của Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã được nghe cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra báo cáo về dự án Luật.

Quốc hội nghe báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trình Quốc hội tại Kỳ họp này gồm 03 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 77 khoản của 43 Điều, bổ sung mới 08 Điều và bãi bỏ 01 khoản của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan, như:

Về giám sát của Quốc hội, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; tiêu chí để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, vấn đề được giải trình tại phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát;...

Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung 03 điều quy định về xem xét việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề bằng hình thức chất vấn; Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Về giám sát của Hội đồng nhân dân, trong dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, cơ quan của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân; tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân, chuyên đề giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, vấn đề giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND; phương thức, trình tự, thời gian thực hiện hoạt động giám sát; việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do HĐND bầu. Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung 02 điều quy định về xem xét việc thực hiện nghị quyết của HĐND, Thường trực HĐND về chất vấn, giám sát chuyên đề bằng hình thức chất vấn.

Về bảo đảm hoạt động giám sát, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung quy định tại 03 khoản của 02 điều về bảo đảm thực hiện hoạt động giám sát; việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát. Đồng thời, bổ sung 02 điều quy định về cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, sử dụng thông tin phục vụ hoạt động giám sát và ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND...

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã xây dựng 02 phương án đối với các nội dung quy định về: Bổ sung nguyên tắc mới trong Luật và quy định nội dung của nguyên tắc này trong một số điều của dự thảo Luật; thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo; bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát; bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri.

Theo Chương trình Kỳ họp, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sẽ được Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng tại Tổ và trong phiên thảo luận tại Hội trường trong ngày 28/11/2024.

Các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2025 sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập, những nội dung không còn phù hợp trong quy định của Luật hiện hành, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật, nghị quyết có liên quan mới được Quốc hội ban hành, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã được xác định tại Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng./.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP