Quốc hội nghe các Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận đối với 02 dự thảo Luật, 01 dự thảo Nghị quyết
( Cập nhật lúc:
11/11/2024
)
Ngày 09/11/2024, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe các Tờ trình, Báo cáo thẩm đối với dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và dự án Luật Nhà giáo; thảo luận hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự và thảo luận tổ về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Nhà giáo.
Tại phiên làm việc tại hội trường, Quốc hội đã nghe các Tờ trình, Báo cáo thẩm đối với dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và dự án Luật Nhà giáo; thảo luận hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận tại hội trường
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự được ban hành với mục đích: Thực hiện thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản sớm hơn và xuyên suốt quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xử lý hiện nay trong khi chưa sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự. Trên cơ sở đó, kiểm nghiệm, đánh giá hiệu quả để sau khi kết thúc thí điểm sẽ tiến hành tổng kết, đưa ra đề xuất, kiến nghị phù hợp. Thảo luận về nội dung này, cơ bản các đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết và có một số ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết này.
Cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Nhà giáo. Tại tổ thảo luận số 12 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Bắc Kạn, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, các đại biểu cũng thể hiện quan điểm đồng tình với sự cần thiết ban hành các dự thảo Luật này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế phản ánh nhiều nội dung từ thực tiễn và góp ý đối với dự thảo Luật Nhà giáo
Quan tâm đến dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đề nghị Ban soạn thảo xem xét một số nội dung để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp, khả thi và tránh trùng lặp của dự thảo như: Liên quan đến chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng của nhà giáo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 29 và điểm b khoản 1 Điều 28, theo đại biểu đang có sự trùng lặp về nội dung, đề nghị rà soát và có điều chỉnh; về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, đang quy định tại Điều 30 dự thảo Luật, theo đó, đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định. Từ thực tiễn và qua ý kiến của cử tri, đại biểu cũng phản ánh về nguyện vọng được nghỉ hưu trước đối với nhà giáo công tác tại các trường tiểu học và các trường đào tạo chuyên biệt, trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật, trường đào tạo nghệ thuật…; đại biểu đề nghị quan tâm bổ sung chính sách bồi dưỡng chính trị, kỹ năng xã hội, nắm bắt, tư vấn tâm lý học sinh... cho nhà giáo và bổ sung đối tượng nhà giáo ở các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, giáo viên người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trong nước cũng được hưởng chính sách này; liên quan đến trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong quản lý nhà giáo trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với nhà giáo tại Điều 47, đại biểu đề nghị xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về nội dung này cho phù hợp…
Theo chương trình, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Nhà giáo sẽ được Quốc hội thảo luận tại phiên họp hội trường tại đợt 2 của kỳ họp này./.