Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
( Cập nhật lúc:
27/10/2023
)
Ngày 26/10, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ 4. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của các Phó Chủ tịch Quốc hội, ĐBQH tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham dự phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Trong phiên họp sáng, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Ý kiến các ĐBQH tập trung chủ yếu vào các nội dung như: Đề nghị quan tâm tới quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; làm rõ phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nước sinh hoạt, gắn bảo đảm an ninh nguồn nước với an ninh quốc gia; thống nhất quản lý về tài nguyên nước và có sự phân công, phân cấp; quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông; điều hoà, phân phối hiệu quả tài nguyên nước. Có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn nước vào nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; có giải pháp phục hồi các dòng sông đang ô nhiễm, cạn kiệt…
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường thảo luận về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH và ý kiến thống nhất của Chính phủ, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung cụ thể như: Bổ sung đối tượng thuê nhà ở công vụ là công chức, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu và công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo, trừ trường hợp pháp luật quy định các đối tượng này phải ở trong doanh trại của lực lượng vũ trang nhân dân; bổ sung đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được lựa chọn mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân với điều kiện chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, đồng thời đáp ứng điều kiện về thu nhập do Chính phủ quy định; bổ sung ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân như ưu đãi đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội…
Các ĐBQH đánh giá cao và cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu tham gia ý kiến về chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; phân tích và đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định về quỹ đất để phát triển nhà ở, phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư, nguyên tắc lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời…
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn Bắc Kạn)
Xuất phát từ thực tiễn và kiến nghị của cử tri, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn ĐBQH Bắc Kạn) đánh giá: Dự thảo đã được chỉnh lý một cách căn bản, chặt chẽ hơn so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và tán thành với hướng quy định chặt chẽ này. Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy đề nghị cân nhắc thêm một số nội dung cụ thể như sau:
Điều khoản chuyển tiếp tại Điều 198 của dự thảo quy định: "Trường hợp nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ được xây dựng trước ngày Luật này có hiệu lực, nhưng không đáp ứng yêu cầu của pháp luật tại thời điểm xây dựng, thì phải xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật có liên quan và các căn hộ trong nhà ở này không được cấp Giấy chứng nhận". Đại biểu cho rằng, thời gian tới đây quy định chuyển tiếp này sẽ được áp dụng với nhiều trường hợp vì gắn với đợt tổng rà soát các chung cư mini hiện nay. Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn để tránh hiểu nhầm rằng kể cả khi đã bị xử phạt, đã áp dụng các biện pháp khắc phục sai phạm, nhưng các căn hộ trong Nhà ở này vẫn không được cấp Giấy chứng nhận.
Về điều kiện được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội tại Điều 78 Dự thảo quy định một trong những điều kiện để được mua nhà ở xã hội là phải "chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở dưới mọi hình thức", còn tại Điều 77 Dự thảo quy định các hình thức hỗ trợ nhà ở xã hội có hình thức "cho thuê nhà ở xã hội". Đại biểu đề nghị cân nhắc không nên tiếp tục đặt vấn đề đã được thuê nhà ở xã hội thì không được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội vì 2 lý do sau: Thứ nhất, giá thuê nhà ở xã hội hiện nay hầu như không có sự ưu đãi, giá thuê 1 căn hộ 60m2 thuộc Dự án nhà ở xã hội là 6 triệu đồng/1 tháng (tương đương giá thuê căn hộ chung cư hạng trung); Thứ hai, nếu ai đã từng đi thuê nhà ở xã hội thì toàn bộ mã số định danh cá nhân của người đó cùng với những người đứng tên trong hộ khẩu sẽ được lưu giữ trên hệ thống quản lý của Bộ Xây dựng. Những người này sẽ không bao giờ còn có cơ hội được mua nhà ở xã hội với lí do "đã được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội bằng hình thức được thuê nhà". Đại biểu cho biết nhiều người khi bị loại khỏi danh sách mua nhà ở xã hội vì lý do này đã chia sẻ, nếu họ biết pháp luật quy định như vậy thì chắc chắn không bao giờ đi thuê nhà ở xã hội để dẫn đến mất quyền mua, trong khi giá thuê hầu như không có sự ưu đãi, thủ tục rườm rà và mất nhiều thời gian chờ đợi xét duyệt.
Cuối phiên thảo luận, đại diện cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trước khi Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.