Hôm nay (26/10), theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận Tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024, Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các nội dung quan trọng khác.
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì, điều hành Tổ thảo luận số 12
Tham dự phiên thảo luận Tổ có đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình.
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì, điều hành Tổ thảo luận số 12 gồm 25 đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH 4 tỉnh: Bắc Kạn, Quảng Bình, Hưng Yên, Ninh Bình.
Theo chương trình làm việc, các Tổ đại biểu tập trung thảo luận về 5 nội dung quan trọng gồm:
(1) Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
(2) Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
(3) Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.
(4) Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(5) Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Cùng với các ĐBQH trong Tổ, đại biểu Đoàn Bắc Kạn tích cực tham gia thảo luận về các nội dung trên.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tham gia phát biểu thảo luận tại Tổ
Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh 7 điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2024 như: 14/15 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu về tăng năng suất lao động mà nhiều năm qua không đạt; việc cải cách tiền lương, tăng lương cơ sở, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội; đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm (xóa nhà tạm, nhà dột nát…); vấn đề chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số được xếp hạng tăng 15 bậc; thành tựu đạt được trong hoạt động đối ngoại có bước tiến lớn; tinh thần dân tộc tỏa sáng trong khó khăn, thử thách (cơn bão số 3)… Đồng thời, qua phân tích tình hình thực tiễn, đại biểu kiến nghị:
Về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, Quốc hội cần tích cực thực hiện quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong việc xây dựng pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền…; Chính phủ cũng cần triển khai Nghị quyết Trung ương 10, rà soát, xây dựng giải pháp để điều chỉnh, tháo gỡ ngay những nút thắt, các quy định “bó buộc” tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Về chống lãng phí, đại biểu đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, cá cơ quan của Quốc hội, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương lựa chọn trúng, đúng vấn đề, lĩnh vực để giám sát (như tình trạng lãng phí trong sử dụng sách giáo khoa…) đang được nhiều cử tri quan tâm.
Về lĩnh vực y tế, từ những khó khăn trong đấu thầu thuốc dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo khảo sát, đánh giá để có giải pháp tháo gỡ, chấm dứt tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế do đấu thầu.
Đại biểu Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn tham gia phát biểu thảo luận tại Tổ
Từ tình hình thực tiễn tại địa phương, đại biểu Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn phản ánh những khó khăn đang gặp phải của địa phương trong việc bố trí tái định cư cho đồng bào bị ảnh hưởng sạt lở đất sau cơn bão số 3 (Yagi) như việc xây dựng Khu tái định cư tập trung cần phải đảm bảo các quy định của Luật Đất đai hiện hành (phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời đối với Dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất thì phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua danh mục công trình cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất,…) là không đảm bảo tính cấp thiết để giúp người dân tái định cư, ổn định cuộc sống ngay sau bão lũ. Đại biểu kiến nghị Chính phủ xem xét, có giải pháp căn cơ, có cơ chế đặc thù về thủ tục đất đai để giúp địa phương kịp thời giải quyết khó khăn khi chỉ đạo bố trí tái định cư cho người dân khu vực có nguy cơ sạt lở cao như: Trong trường hợp cấp bách, cho phép triển khai dự án xây dựng khu tái định cư mà không cần đáp ứng đầy đủ ngay các điều kiện như quy định trên, mà được thực hiện song song các thủ tục về đất đai; có cơ chế cho phép địa phương bố trí tái định cư xen ghép, cho các hộ dân được làm nhà ở tái định cư trên đất lúa, đất rừng sản xuất, sau đó mới hoàn thiện thủ tục đất đai theo quy định… để giải quyết tình trạng người dân phải ở trong các lều, lán trại dựng tạm trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Hà Sỹ Huân tiếp tục phản ánh và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, có giải pháp giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo thực hiện phát triển KT-XH của địa phương đã được Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý, kiến nghị trong các kỳ họp trước như: quy định của Luật Đất đai năm 2024 không quy định về việc san ủi đất đối với khu vực niền núi; đề nghị Chính phủ xem xét cấp kinh phí để thực hiện diện tích chuyển tiếp giao khoán bảo vệ rừng tại các xã khu vực II, khu vực III năm 2021 với số tiền là 23.476 triệu đồng để chi trả cho người dân. Đồng thời, đề nghị xem xét, sửa đổi bổ sung Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 theo hướng tăng thêm thời gian phân bổ ngân sách được giao dự toán bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương trong năm hoặc phân cấp giao thẩm quyền cho địa phương thực hiện. Vì đối với vốn đầu tư thực hiện các CTMTQG hoặc nguồn dự phòng ngân sách trung ương để thực hiện các công trình, dự án khắc phục hậu quả thiên tai phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công thì không thể đảm bảo thực hiện được trong thời hạn (chậm nhất 10 ngày làm việc) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, qua khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 vừa qua cho thấy, mức hỗ trợ thiên tai theo quy định hiện hành đối với nông nghiệp quá thấp, không đủ hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại khôi phục sản xuất, đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu ban hành định mức quy định mới để đảm bảo đời sống cho người dân sau bão. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm có chính sách hỗ trợ các tỉnh vùng cao xây dựng trường, lớp học xuống cấp; có thêm chính sách hỗ trợ công chức xã như làm nhà công vụ và các chính sách trợ cấp khác để công chức xã yên tâm công tác.
Phân tích các bất cập trong thực hiện Dự án 8 về giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị xem xét sửa Quyết định 1719 quy định bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách là nam giới khi tham gia các hoạt động của Dự án 8 nhằm tăng cường công tác tuyên tuyền và đảm bảo hiệu quả của Dự án.
Theo chương trình Kỳ họp, các nội dung trên sẽ được Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể vào ngày 30/10/2024. Phiên họp sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi./.