Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
( Cập nhật lúc:
20/03/2023
)
Sáng 20/3/2023, tại phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến từ Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát. Theo chương trình, phiên chất vấn được tổ chức trong 01 ngày, do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội
Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tiếp nhận câu hỏi của các đại biểu Quốc hội với 04 lĩnh vực thuộc ngành gồm: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; Công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán và các công chức ngành Tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án; Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ; Việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đặt 02 câu hỏi đối với Chánh án TAND tối cao: (1) Liên quan đến việc UNICEF đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Quốc hội Việt Nam ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên và Tòa án tối cao đã trình hồ sơ đề nghị đưa dự án luật này vào chương trình. Đề nghị Chánh án cho biết việc ban hành đạo Luật này có khắc phục được những bất cập trong việc giải quyết những vụ án liên quan đến người chưa thành niên hiện nay không? (2) Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến và giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc của ngành trong quá trình thực hiện.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn nêu câu hỏi chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến các vấn đề nêu trên. Đối với việc xây dựng và đề nghị ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên, TAND tối cao đã rà soát và xây dựng hồ sơ dự án Luật để đề nghị đưa vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội. Ở Việt Nam các quy định liên quan đến tư pháp của người chưa thành niên được quy định tại 10 đạo luật khác nhau, tuy nhiên theo xu hướng trên thế giới hiện nay, các nước đã xây dựng và ban hành một đạo luật riêng điều chỉnh đối với đối tượng này, vì đây là đối tượng đặc biệt, dễ bị tổn thương. Mặt khác, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em và các văn kiện quốc tế về quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng, do đó việc bàn hành đạo luật này sẽ đảm bảo việc thực hiện cam kết của Việt Nam đối với quốc tế và sẽ khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động tư pháp đối với người chưa thành niên.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Đối với việc tổ chức xét xử phiên tòa trực tuyến, Chánh án TAND tối cao cho biết, đến nay đã có 647 Tòa án (03 Tòa án nhân dân cấp cao; 63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 581 Tòa án nhân dân cấp huyện) tổ chức xét xử trực tuyến đối với 5.400 vụ án. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là liên quan đến cơ sở hạ tầng vật chất phục vụ cho việc xét xử phiên tòa trực tuyến. Để bảo đảm các điều kiện kỹ thuật và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho các Tòa án tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên tòa xét xử trực tuyến bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Chánh án đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét, thông qua.
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã có 35 đại biểu đăng ký, với 29 đại biểu đặt 50 câu hỏi và 06 đại biểu tranh luận, có 02 câu hỏi Chánh án xin trả lời bằng văn bản do liên quan đến dữ liệu mật và số liệu cụ thể của ngành. Kết luận phiên làm việc buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, các nội dung chất vấn trong phiên làm việc buổi sáng đã được các đại biểu bám sát nội dung, câu hỏi đúng trọng tâm, đi sâu vào vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm; Chánh án TAND tối cao trả lời, giải trình rõ ràng, cụ thể, nghiêm túc nhìn nhận hạn chế và đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của ngành Tòa án.
Tham gia trả lời chất vấn buổi sáng có Bộ Trưởng Bộ Tư pháp liên quan đến thi hành dân sự, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng. Một số câu hỏi đại biểu đặt ra với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ được các Trưởng ngành trả lời tại phiên chất vấn buổi chiều cùng ngày.