Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị tổ chức phiên họp thứ 9

( Cập nhật lúc: 09/03/2022  )

Theo chương trình, phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 08 ngày và chia thành 02 đợt (đợt 01 từ ngày 10-16/3/2022; đợt 2 từ ngày 22-25/3/2022). Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến, thông qua nhiều nội dung quan trọng và dành 01 ngày để các đại biểu Quốc hội chất vấn đối với một số Bộ trưởng, trưởng ngành.

Đợt 01 (từ ngày 10-16/3/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về 10 nội dung và tổ chức phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Các nội dung được xem xét cho ý kiến gồm: (1) Dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; (2) Báo cáo của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 đến năm 2020-2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; (3) Dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động; (4) Báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế; (5) Báo cáo công tác dân nguyện tháng 02/2022 của Quốc hội; (6) Báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế; (7) việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; (8) xem xét đề nghị của Chính phủ về bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; (9) về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2021 sang năm 2022; (10) về  dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các dự án, các khoản vốn chưa phân bổ.

Ngày 16/3/2022, tại Phòng Diên Hồng (Nhà Quốc hội), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên chất vấn và kết nối truyền hình trực tuyến với 63 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hai nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn tại phiên họp này thuộc lĩnh vực công thương và lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, nội dung chất vấn tập trung vào tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản, với trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Công Thương. Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường nội dung chất vấn bao gồm: Việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này; việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp. Vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19; vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương, với trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đợt 2 (từ ngày 22-25/3/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến đối với một số dự án luật, nghị quyết và thông qua một số nội dung theo thẩm quyền.

Các nội dung được xem xét cho ý kiến bao gồm: (1) dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); (2) dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; (3) dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); (4) dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; (5) dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; (6) tiếp tục xem xét Báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế; (7) cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo thẩm quyền, tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua Dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc Dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động.

Triệu Tuyên
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP