Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội

( Cập nhật lúc: 07/10/2021  )

Thực hiện chủ trương đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức Diễn đàn Kinh tế xã hội thường niên trong nhiệm kỳ khoá XV nhằm tập hợp, phát huy trí tuệ của các đại biểu Quốc hội các thời kỳ, của người dân, cử tri, cộng đồng doanh nghiệp; hình thành và khai thác mạng lưới các chuyên gia. Diễn đàn sẽ là mạng lưới sáng kiến Quốc hội Việt Nam, cả ở trong nước và ngoài nước góp phần hỗ trợ Quốc hội nâng cao chất lượng công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia.

Toàn cảnh Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội (nguồn: quochoi.vn)

Vừa qua, Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội được tổ chức lần đầu tiên trong khuôn khổ Diễn đàn. Tham dự Tọa đàm có sự tham gia của đại diện nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam như: Chương trình phát triển Liên Hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Văn phòng Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Lao động quốc tế, cùng hơn 80 đại biểu là các chuyên gia, đại biểu đại diện cho các cơ quan, tổ chức tham dự trực tiếp và trực tuyến tại một số điểm cầu trên cả nước.

Nhận định về xu hướng thế giới những tháng còn lại của năm 2021 và thời gian tới, kinh tế toàn cầu đang có sự phân hóa sâu sắc, nhóm các nước phục hồi mạnh là những nước phát triển, chủ động được vắc-xin, sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, quy mô các gói hỗ trợ gồm tài khóa và tiền tệ - tín dụng là rất lớn; đặc biệt một số nước với tiềm lực kinh tế lớn đã thực hiện chính sách siêu nới lỏng cả về tài chính và tiền tệ. Tại một số nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, do chưa tự chủ được nguồn vắc-xin, quy mô nền kinh tế, dư địa tài khóa, tiền tệ hạn chế hơn sẽ đối mặt với rủi ro bùng phát trở lại của dịch Covid-19, số ca tử vong tăng lên, phục hồi kinh tế chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với tăng trưởng của thế giới. Tọa đàm đã đưa ra một số bài học và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam như:

- Cần tiếp tục quán triệt và nghiêm túc thực hiện mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, cả về thể chất và tinh thần, đồng thời duy trì hoạt động kinh tế - xã hội bình thường ở mức độ tối đa có thể trong điều kiện có dịch bệnh. Tăng cường hỗ trợ, trợ giúp xã hội, nhất là với nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương; chú trọng ổn định xã hội và tâm lý của người dân; khắc phục tình trạng gia tăng bất bình đẳng trong điều kiện khó khăn vì dịch Covid-19; nới lỏng có chọn lọc một số hoạt động để giảm áp lực từ xã hội.

- Chủ trương tiếp tục kiên định mục tiêu kép, có ưu tiên về thời điểm và địa bàn cụ thể cho việc phòng, chống dịch là hoàn toàn đúng đắn để kiểm soát đại dịch và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, xã hội. Lưu ý đến yếu tố linh hoạt, không cứng nhắc, điều chỉnh để thích ứng, tính toán kỹ bài toán giữa lợi ích và chi phí, trong đó có lợi ích về kinh tế, y tế, kinh tế - xã hội, về chính trị, duy trì sinh hoạt, không để đứt gãy chuỗi sản xuất.

- Có lộ trình phù hợp, có điều kiện và quy định cụ thể về việc mở cửa cho từng địa bàn, lĩnh vực với đối tượng cá nhân và doanh nghiệp theo tinh thần phải đáp ứng yêu cầu an toàn lên hàng đầu. Giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển cần phải thực hiện“thông minh hơn”, linh hoạt, đồng bộ, nhất quán, chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, thậm chí liên quan đến quản trị quốc gia, phân cấp, ủy quyền, liên kết vùng…

- Chuyển sang mô hình thích ứng, sống chung an toàn với dịch bệnh Covid-19; tăng nhanh tỷ lệ tiêm vắc-xin, giảm tỷ lệ tử vong thay vì giảm ca nhiễm... Phấn đấu tỷ lệ tiêm chủng ít nhất phải đạt mức 60% đến 70%; hạ tầng y tế phát triển và luôn trong tình trạng sẵn sàng.

- Thực hiện chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ - tín dụng theo hướng cân bằng hơn. Chính sách tài khóa cần phải hỗ trợ nhiều hơn cho phục hồi kinh tế - xã hội, theo hướng tăng chi cho y tế, tăng hỗ trợ bằng tiền mặt trực tiếp, nhanh chóng, đơn giản hơn, bảo đảm đúng đối tượng bị tác động; trong trung và dài hạn chính sách tài khóa cần xem xét lại phân cấp chi giữa trung ương và địa phương; đưa ra chương trình hỗ trợ lãi suất có mục tiêu và có địa chỉ, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Tăng cường công tác trợ cấp xã hội, trong đó tập trung ưu tiên cho người nghèo, người lao động tự do, người yếu thế trong xã hội.

Đối với doanh nghiệp, bên cạnh giải pháp giảm, giãn, hoãn thuế cần xem xét cho phép chuyển lỗ nhiều hơn so với quy định của pháp luật hiện hành để giảm bớt khó khăn, hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp; hỗ trợ chi phí trong giá thành cao hơn mức chi phí thực tế, nhất là đối với chi phí về nhân công.

- Đặt trọng tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế mới; tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật đã ban hành; chuẩn bị sớm, bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật nằm trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

- Tăng cường giải ngân đầu tư công cùng với thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giao vốn đầu tư công. Đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

- Khẩn trương xây dựng chương trình tái thiết phục hồi nền kinh tế, có phân chia theo giai đoạn. Có giải pháp đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển sang chủ trương tăng trưởng xanh, huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Tổ chức rà soát, tăng cường năng lực quản trị quốc gia, năng lực thực thi chính sách từ Trung ương đến địa phương, tầm nhìn, năng lực quản trị doanh nghiệp...

Với quan điểm thích ứng với dịch bệnh Covid-19, sử dụng tổng hợp các chính sách, phương thức, cách làm, biện pháp phù hợp, các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch thích ứng cần tính đến tác động lâu dài, xử lý hài hòa các mối quan hệ giữa y tế và kinh tế - xã hội. Toạ đàm khuyến nghị, đề xuất Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa năng lực về hoàn thiện thể chế, hướng dẫn cụ thể, phối hợp chính sách, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng xanh, mô hình kinh doanh mới, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... Tăng cường công tác giám sát tổ chức thực thi các chính sách để bảo đảm công khai, minh bạch, trực tiếp đi vào đời sống của người dân và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội liên quan tới công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Sau Tọa đàm, Ban tổ chức đã chọn lọc đưa vào Kỷ yếu 12 tham luận có chất lượng của các tổ chức, chuyên gia trong nước, quốc tế tại Việt Nam về nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục tổ chức Diễn đàn Kinh tế xã hội thường niên để các tổ chức, các ngành, các cấp và đông đảo chuyên gia tham dự, cung cấp thông tin, trao đổi, thảo luận, đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhằm cung cấp cho Quốc hội những luận cứ khoa học và thực tiễn để xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền, khuyến nghị Chính phủ, các cấp, ngành điều hành và tổ chức thực hiện tốt hơn theo chức năng nhiệm vụ được giao./.

Ái Vân (tổng hợp)
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP