Cần tiến hành các giải pháp đồng bộ để không ngừng nâng cao chất lượng công tác giám định
( Cập nhật lúc:
21/03/2023
)
Đây là nội dung trả lời của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đối với câu hỏi do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đặt ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20/3/2023.
Các vị đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn
Tiếp tục chương trình làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 21, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí tiếp nhận các câu hỏi từ đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tiếp tục điều hành.
Chất vấn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đề nghị Viện trưởng cho biết, với chức năng kiểm sát hoạt động giám định tư pháp, ngành đã và sẽ tổ chức triển khai những biện pháp gì để kịp thời phát hiện những vi phạm thiếu sót trong công tác giám định trong thời gian tới. Vì qua theo dõi công tác giám định các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng chức vụ thời gian qua cho thấy, vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chậm chễ trong giám định hoặc kết luận giám định còn chung chung, không rõ ràng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh trí đã có những phân tích, nhận định về nguyên nhân dẫn đến có tình trạng nêu trên như: Do tâm lý e ngại, chịu trách nhiệm của các giám định viên khi kết luận giám định (là căn cứ để cơ quan tố tụng xử lý hình sự đối với các vụ án); liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan chủ quan khi cử người tham gia giám định viên và liên quan đến chế độ chính sách đãi ngộ cho giám định viên khi thực hiện nhiệm vụ này chưa thục sự phù hợp. Theo Viện trưởng, cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp như: Cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc cử người tham gia giám định đảm bảo chất lượng và kịp thời; cơ quan yêu cầu giám định phải rõ ràng về nội dung yêu cầu giám định và phù hợp với điều kiện thực tế; cần nghiên cứu có cơ chế đãi ngộ phù hợp đối với các giám định viên. Bên cạnh đó, quy định hiện hành không có yêu cầu về thời hạn trả kết quả giám định trong khi thời hạn giải quyết các vụ án được quy định rất cụ thể, nên cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án và cần được sớm khắc phục.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Tại phiên chất vấn đã có 24 đại biểu tham gia đăng ký và có 20 đại biểu câu hỏi, 04 đại biểu tranh luận, tập trung vào các lĩnh vực như: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; tăng cường chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; Công tác cán bộ của ngành Kiểm sát; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Kiểm sát viên và các công chức của Viện Kiểm sát; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm sát; Giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhất là nâng cao tỷ lệ phát hiện tội phạm; tăng cường rà soát để kịp thời giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền.
Tham gia trả lời chất vấn trong phiên làm việc buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã làm rõ nhiều vấn đề được đại biểu quan tâm liên quan đến lĩnh vực chứng khoán, thị trường trái phiếu, tài chính, doanh nghiệp; việc tham gia hoạt động tố tụng ban đầu của lực lượng Công an xã sau khi thực hiện Đề án đưa Công an chính quy về các xã…
Còn 04 đại biểu đăng ký và 01 đại biểu tranh luận nhưng do hết thời gian nên các câu hỏi sẽ được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị và phần trả lời chất vấn của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao nắm chắc nội dung hoạt động của ngành, trả lời xác đáng, thẳng thắn và làm rõ nhiều vấn đề, tán thành và ghi nhận các giải pháp Chánh án, Viện trưởng đã đề ra tại phiên chất vấn; các câu hỏi chất vấn được đại biểu Quốc hội nghiên cứu xuất phát từ kinh nghiệm hoạt động và từ thực tiễn địa phương, được cử tri và Nhân dân quan tâm. Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để làm cơ sở cho giám sát việc thực hiện các giải pháp đã được Chánh án, Viện trưởng đề ra./.