Với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra trong 23 ngày làm việc tập trung tại Nhà Quốc hội, Hà Nội. Đây là kỳ họp đầu tiên được tổ chức làm 2 đợt (đợt 1 từ 22/5 - 10/6; đợt 2 từ 19/6 - 24/6).
ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tích cực chuyển tải nhiều kiến nghị của cử tri đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trung ương
Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng và tiến hành bầu và phê chuẩn một số chức danh chủ chốt giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ TN&MT, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian cho công tác lập pháp, theo đó đã xem xét, thông qua 08 luật, 11 nghị quyết, trong đó có 02 dự án Luật được trình xem xét, thông qua theo trình tự 01 kỳ họp (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam), đồng thời Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác.
Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Đáng chú ý, Quốc hội đã dành 1,5 ngày thảo luận tại tổ và hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và thu ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội và thu ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Qua thảo luận, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế tồn tại trong nội tại nền kinh tế và đề ra những giải pháp căn cơ, thiết thực cho những tháng cuối năm 2023. Về ngân sách nhà nước, Quốc hội đã xem xét quyết định phân bổ số vốn còn lại là 13.369,468 tỷ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện các dự án đủ thủ tục đầu tư; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025; phân bổ vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023. Theo Nghị quyết, tỉnh Bắc Kạn được phân bổ số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 là 305.800 triệu đồng từ nguồn vốn nước ngoài để chi cho các hoạt động kinh tế (trong đó chi cho giao thông là 295.000 triệu đồng và cấp nước, thoát nước là 10.800 triệu đồng).
Cũng tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội. Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tham gia góp ý và chuyển tải nhiều nội dung kiến nghị của cử tri trong tỉnh đến Chính phủ và Bộ ngành. Đến thời điểm hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản trả lời một trong những nội dung đại biểu kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ tại kỳ họp về việc “quan tâm, dành nguồn lực đầu tư công trung hạn xây dựng mở rộng các tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn có tuyến đường ngang nối với đường Hồ Chì Minh; sớm đầu tư xay dựng đoạn đường tránh trung các huyện, thành phố và các thị trấn trên các tuyến quốc lộ ngang; sớm cho chủ trương đầu tư với dự án tuyến đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch”. Theo văn bản trả lời của Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải đã cân đối khoảng 2.772 tỷ đồng để đầu tư, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3B đoạn Xuất Hóa - Cửa khẩu Pò Mã với chiều dài 50km, quy mô cấp IV, 02 làn xe với kinh phí là 755 tỷ đồng (hoàn thành năm 2023) và đang chuẩn bị đầu tư 2.017 tỷ đồng để xây dựng tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn. Trong giai đoạn trung hạn tiếp theo, Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bố trí vốn để tiếp tục đầu tư nâng cấp các đoạn còn lại của Quốc lộ 3B và Quốc lộ 279 theo quy hoạch và sẽ nghiên cứu đầu tư các đoạn tuyến tránh đô thị như kiến nghị của cử tri theo nhu cầu vận tải và khả năng cân đối vốn.
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì thảo luận Tổ ĐBQH gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Nghệ An, Bạc Liêu tại Kỳ họp thứ 5
Trong hoạt động giám sát tối cao, Quốc đã tổ chức thành công 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 Bộ trưởng (Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH; Bộ trưởng- Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về các nội dung liên quan đến 4 nhóm vấn đề về lao động, thương binh và xã hội, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải và dân tộc. Trong các phiên chất vấn, đã có 454 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, 112 lượt đại biểu Quốc hội đã thực hiện quyền chất vấn, có 49 lượt đại biểu Quốc hội đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Tại các phiên thảo luận tại Tổ và tại Hội trường, các đại biểu Đoàn Bắc Kạn đã phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết xây dựng các dự án luật và thảo luận về các vấn đề quan trọng của quốc gia với gần 40 lượt phát biểu tại hội trường và phát biểu tại Tổ thảo luận.
Trong phiên thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, đại biểu tỉnh ta đã kiến nghị những nội dung còn vướng mắc, bất cập liên quan đến nợ vật tư, sinh phẩm trong phòng, chống dịch Covid-19 chưa có phương án tháo gỡ và các tồn tại, hạn chế liên quan đến mô hình quản lý trung tâm y tế cấp huyện, Phòng Y tế cấp huyện, chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở tại Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15/02/2023 của Chính phủ.
Thảo luận về tình hình KT-XH và NSNN, xuất phát từ thực tiễn vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương, các ĐBQH của tỉnh đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trung ương xem xét nâng mức khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, điều chỉnh, nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đối với tiêu chí tỷ lệ che phủ rừng, bổ sung tiêu chí tỷ lệ đất rừng và độ che phủ rừng của địa phương vào tiêu chí phân bổ dự toán chi thường xuyên đối với các lĩnh vực chi, đúng với tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII); đề nghị giao thẩm quyền cho HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng với một diện tích phù hợp, chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên là rừng sản xuất, rừng tự nhiên có trữ lượng thấp để tạo điều kiện cho địa phương thực hiện các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH; quan tâm đến chính sách phát triển KT - XH tại các xã ATK, CT229 và đề nghị có các giải pháp để lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ…
Ngoài ra, tại kỳ họp, các vị ĐBQH tỉnh cũng đã tích cực tham gia các hoạt động do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các nhóm Nghị sĩ của Quốc hội tổ chức. Đồng thời, làm việc với các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong các hoạt động phát triển KT-XH của tỉnh.
Nhìn vào khối lượng công việc đã hoàn thành trong Kỳ họp này, có thể thấy rằng, Quốc hội luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân, theo kịp với diễn biến thực tiễn để vận dụng tối đa tính linh hoạt, trách nhiệm cao trong hoạt động, khai thác triệt để kinh nghiệm và trí tuệ từ mỗi đại biểu Quốc hội để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Kết quả Kỳ họp thứ 5 đã khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo các nội dung trình Quốc hội cũng như các điều kiện bảo đảm và tổ chức kỳ họp theo đúng quy định của pháp luật.