Tiếp xúc cử tri là một trong các hoạt động quan trọng, thường xuyên của đại biểu dân cử. Thông qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội thực hiện quyền đại diện cho cử tri cả nước phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan của Đảng và Nhà nước, giúp giải quyết các vấn đề người dân quan tâm.
Đoàn ĐBQH tỉnh TXCT trực tuyến sau Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc TXCT trong hoạt động của Quốc hội và ĐBQH, trước yêu cầu cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội theo tinh thần Nghị quyết 27/2012/QH13 ban hành tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã phối hợp với Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch số 525/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (Nghị quyết liên tịch 525) để thống nhất thực hiện trong cả nước.
Nghị quyết liên tịch 525 quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trong việc tiếp xúc cử tri; tổ chức thực hiện tiếp xúc cử tri; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; trách nhiệm giải quyết và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Sau 10 năm thực hiện, hoạt động TXCT của ĐBQH ngày càng thực chất, có sự phối hợp chặt chẽ của UBMTTQ các cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan; việc tập hợp và giải quyết kiến nghị của cử tri có nhiều thuận lợi, hiệu quả.
Đoàn ĐBQH tỉnh TXCT chuyên đề về Dự thảo Luật Hợp tác xã tại huyện Na Rì
Trong Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 525 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho thấy, hoạt động TXCT của ĐBQH tỉnh luôn thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng quy định, chú ý cải tiến, đổi mới phương thức thực hiện, mở rộng phạm vi địa bàn tiếp xúc, đối tượng cử tri, qua đó thu thập nhiều ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri, kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các cuộc tiếp xúc cử tri đã thu hút được sự quan tâm, tham dự của cử tri và nâng cao trách nhiệm tiếp thu, giải quyết của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, thể hiện rõ mối liên hệ giữa đại biểu và cử tri, giúp hoạt động TXCT của ĐBQH hiệu quả, thực chất hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác dân nguyện của Quốc hội.
Từ năm 2013 đến năm 2022, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức cho ĐBQH thực hiện 461 cuộc TXCT, trong đó có 415 cuộc TXCT định kỳ trước và sau kỳ họp, 8 cuộc TXCT nơi cư trú, 15 cuộc TXCT nơi làm việc và 15 cuộc TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực. Sau TXCT, Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phối hợp với Ban thường trực UBMTTQ tỉnh xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, KNCT gửi đến UBTVQH, Đoàn Chủ tịch UBMTTQ và chuyển đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan ở địa phương. Theo đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp, chuyển 931 kiến nghị của cử tri đến các cơ quan Trung ương, 1.142 kiến nghị đến các cơ quan chức năng của địa phương để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Việc trả lời, giải quyết KNCT của các cơ quan chức năng cơ bản kịp thời, số kiến nghị được các cơ quan chức năng trả lời khá cao (khoảng 97%), nội dung trả lời nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, thông tin cho cử tri tình hình thi hành pháp luật đối với nội dung mà cử tri kiến nghị, cũng như phân tích, đánh giá các nguyên nhân hạn chế, đề ra biện pháp, lộ trình cụ thể để giải quyết. Đoàn ĐBQH thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết và trả lời cử tri của các cơ quan liên quan, đồng thời tập hợp kết quả giải quyết để báo cáo với cử tri tại các buổi TXCT gần nhất.
Trong những năm gần đây, hoạt động TXCT của Đoàn ĐBQH tỉnh có nhiều cải tiến, đổi mới. Điển hình như việc chú trọng phối hợp, lồng ghép TXCT của ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một hội nghị, qua đó tạo điều kiện để cử tri được tiếp xúc cùng lúc với đại biểu dân cử trung ương và địa phương, đồng thời để lãnh đạo địa phương tập trung lắng nghe, giải quyết kịp thời kiến nghị, phản ánh của cử tri. Tại thời điểm dịch bệnh Covid-19, Đoàn đã tổ chức tiếp xúc cử tri trực tuyến đến các xã, phường, thị trấn; tổ chức thông tin, tuyên truyền về nội dung, kết quả kỳ họp đến cử tri, đồng thời tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua UBMTTQVN các cấp. Ngoài TXCT thường kỳ, Đoàn đã tổ chức cho đại biểu TXCT theo chuyên đề để lấy ý kiến xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết theo chương trình các kỳ họp Quốc hội hoặc Phiên họp của UBTVQH. Hình thức báo cáo tại hội nghị TXCT cũng được thay đổi từ việc báo cáo bằng văn bản truyền thống sang báo cáo bằng hình ảnh phóng sự sinh động, thu hút được sự quan tâm, theo dõi của cử tri. Thành phần cử tri được mời rộng rãi, địa điểm tiếp xúc đến tận thôn, xóm, tổ dân phố đã tạo điều kiện để cử tri đối thoại dân chủ, trực tiếp với ĐBQH, tránh tình trạng “cử tri chỉ định”, “cử tri chuyên nghiệp”.
Đại diện Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, UBMTTQVN các cấp tham gia TXCT đầy đủ và thực hiện khá tốt trách nhiệm trong việc trả lời, giải quyết ý kiến, KNCT theo thẩm quyền. Ban Thường trực UBMTTQVN các cấp chủ động phối hợp triển khai kế hoạch tiếp xúc cử tri, thường xuyên thăm nắm tình hình dư luận để chủ trì điều hành hội nghị, định hướng cử tri tham gia phát biểu, tổng hợp ý kiến theo hệ thống mặt trận gửi Đoàn ĐBQH xây dựng báo cáo chung. Khi tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri tại nơi làm việc của ĐBQH, tiếp xúc cử tri tại các cơ quan chuyên môn theo chuyên đề, lĩnh vực, tiếp xúc cử tri nơi cư trú... Đoàn ĐBQH luôn nhận được sự tạo điều kiện, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị trong triển khai kế hoạch, chuẩn bị nội dung tham gia.
Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động TXCT của ĐBQH tỉnh Bắc Kạn những năm qua còn có một số hạn chế, khó khăn trong việc giám sát giải quyết KNCT do Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND chưa quy định quy trình, chế tài buộc các cơ quan hữu quan trong việc giải quyết KNCT; chế độ hỗ trợ phục vụ tiếp xúc cử tri, xây dựng báo cáo tổng hợp KNCT còn thấp và chưa đầy đủ; việc phối hợp tổng hợp KNCT của UBMTTQVN các cấp đôi khi còn chậm, chưa rõ địa chỉ và nội dung kiến nghị của cử tri…
Để hoạt động TXCT của ĐBQH đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Dân nguyện tăng cường giám sát việc thực hiện KNCT của các bộ, ngành, cơ quan liên quan; xem xét nâng mức hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 524/2012/UBTVQH13 liên quan đến mức hỗ trợ phục vụ tiếp xúc cử tri, xây dựng báo cáo tổng hợp KNCT đối với công chức tham mưu, phục vụ trực tiếp ĐBQH và Đoàn ĐBQH tại địa phương. Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tăng cường đối thoại trực tiếp với Nhân dân về những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị; xem xét quy định chế tài đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị không xem xét, giải quyết hoặc trả lời không đúng thời gian theo quy định.