Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát
( Cập nhật lúc:
13/02/2023
)
Năm 2022, với tinh thần trách nhiệm, không ngừng đổi mới sáng tạo, cải tiến cách thức làm việc, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong việc triển khai thực hiện các hoạt động đảm bảo tiến độ và chất lượng, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn trong năm đã được triển khai thực hiện bảo đảm khách quan, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền.
Với 04 chuyên đề giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã hoàn thành theo tiến độ kế hoạch đề ra, trong đó có 02 chuyên đề được Đoàn chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh tổ chức, thực hiện. Qua các cuộc giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổng hợp được 86 kiến nghị gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết ở trung ương và địa phương (35 kiến nghị gửi cơ quan trung ương và 51 kiến nghị gửi cơ quan địa phương). Bên cạnh đó, hoạt động khảo sát cũng được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tăng cường thực hiện với 05 cuộc khảo sát thu thập thông tin lấy ý kiến đối với các dự án Luật, nghị quyết và khảo sát nội dung đơn thư của công dân. Đặc biệt, phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên pháp luật, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã huy động sự tham gia của 08 lượt cộng tác viên đối với các chuyên đề giám sát tại địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn còn một số hạn chế, khó khăn như: Việc tổ chức giám sát 04 chuyên đề tại địa phương theo yêu cầu trong Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có phạm vi rộng, nhiều đối tượng liên quan nhưng thời gian thực hiện và báo cáo kết quả giám sát giữa các chuyên đề quá gần nhau và đều phải hoàn thành trước ngày 30/4/2022 đã ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chương trình giám sát và hoàn thiện báo cáo giám sát của Đoàn; một số cơ quan, đơn vị thực hiện chưa nghiêm các nội dung theo yêu cầu kế hoạch giám sát (gửi báo cáo giám sát không đúng thời hạn, nội dung báo cáo chưa bám sát theo đề cương); có thành viên Đoàn giám sát chưa tham gia đầy đủ theo lịch giám sát tại cơ sở, chưa tích cực tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo kết quả giám sát.
Để hoạt động giám sát ngày càng hiệu quả và từ những khó khăn, hạn chế trên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ban hành Chương trình giám sát năm 2023, trong đó đề nghị các cá nhân, cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động giám sát như sau:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Xem xét bố trí kế hoạch giám sát bảo đảm cân đối thời gian tại các địa phương phù hợp hơn, tránh tình trạng cùng một thời điểm hoặc thời gian ngắn thực hiện các cuộc giám sát liên tiếp, đặc biệt vào thời điểm cuối năm trước và đầu năm sau; tiếp tục nghiên cứu có các cơ chế thu hút sự tham gia của chuyên gia, nhà khoa học trong hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội.
- Các vị đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát của cá nhân đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật; chủ động kiến nghị, để xuất vấn đề giám sát với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Các cơ quan chịu sự giám sát tăng cường phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, báo cáo, tài liệu liên quan theo yêu cầu; nghiêm túc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội theo quy định.
- Các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, nâng cao kỹ năng phân tích thông tin, bồi dưỡng năng lực giám sát cho đại biểu Quốc hội; Văn phòng Quốc hội tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng tham mưu hoạt động giám sát cho bộ phận tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội phối hợp và tăng cường chia sẻ thông tin, tài liệu đối với các chuyên đề giám sát theo chương trình của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.