Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

( Cập nhật lúc: 30/08/2024  )

Chiều 28/8, tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 thảo luận dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Dự án Luật trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách gồm có 79 điều (sửa đổi, bổ sung 70 điều; giữ nguyên 08 điều; bổ sung 01 điều 36a; do đó, số lượng điều tăng lên 01 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội). Việc xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm tạo thuận lợi nhất cho Nhân dân, cơ quan tổ chức trong việc tiếp cận dịch vụ công chứng và dịch vụ chứng thực phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Đồng thời, khắc phục được hạn chế, tiêu cực, bất cập của luật hiện hành; chấn chỉnh những sơ hở vi phạm,... trong thời gian vừa qua. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ; phát huy đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề công chứng;…

Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ dự thảo Luật, đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh tham gia đóng góp một số nội dung:

Thứ nhất là về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 7, nghĩa vụ của công chứng viên tại khoản 2 Điều 16, nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng tại khoản 11 Điều 34, đề nghị nghiên cứu để đảm bảo sự thống nhất, cụ thể như sau: Quy định giữa điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 7 dự thảo luật về hành vi bị nghiêm cấm đối với công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng với quy định tại điểm e khoản 2 Điều 16 dự thảo luật quy định về nghĩa vụ công chứng viên, khoản 11 Điều 34 về nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng chưa có sự thống nhất. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 7 dự thảo luật quy định “nghiêm cấm công chứng viên thực hiện các hành vi sau đây: tiết lộ thông tin về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; sử dụng thông tin về nội dung công chứng để xâm hại quyền lợi và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức”. Theo quy định này, có thể hiểu công chứng viên có thể tiết lộ thông tin về nội dung công chứng trong hai trường hợp: Một là được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản, hai là pháp luật có quy định khác. Điểm e khoản 2 Điều 16 dự thảo luật quy định “công chứng viên có các nghĩa vụ sau đây: giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng và các cá nhân, tổ chức có liên quan đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”. Theo quy định này có thể hiểu công chứng viên có thể tiết lộ thông tin, tức là không cần giữ bí mật về nội dung công chứng trong hai trường hợp: Một là được người yêu cầu công chứng và các cá nhân, tổ chức có liên quan đồng ý bằng văn bản, hai là pháp luật có quy định khác. Như vậy, đối với trường hợp thứ nhất, không chỉ có điều kiện được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản mà còn phải đáp ứng điều kiện được các cá nhân, tổ chức có liên quan đồng ý bằng văn bản. Tương tự như vậy, đối với các tổ chức hành nghề công chứng, điểm a khoản 2 Điều 7 dự thảo cũng quy định “nghiêm cấm tổ chức hành nghề công chứng thực hiện các hành vi quy định tại điểm a khoản 1 điều này” như trên đã trích dẫn, trong khi đó khoản 11 Điều 34 dự thảo luật quy định về nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng là “giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng và các cá nhân, tổ chức có liên quan đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”. Do đó, đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa quy định đảm bảo thống nhất trách nhiệm, nghĩa vụ của công chứng viên cũng như tổ chức hành nghề công chứng liên quan đến việc giữ bí mật và có thể tiết lộ thông tin trong các trường hợp, không chỉ được người yêu cầu công chứng đồng ý mà còn phải được các cá nhân, tổ chức có liên quan đồng ý bằng văn bản.

Thứ hai, sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng, Điều 49; công chứng việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ giao dịch tại Điều 50. Khoản 2 Điều 49 dự thảo luật quy định “việc sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng nơi đã thực hiện công chứng. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi hoặc giải thể thì tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật”. Khoản 2 Điều 50 dự thảo luật quy định “Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 55 của luật này, việc công chứng văn bản sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ giao dịch đã được công chứng do công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng nơi đã thực hiện công chứng đó tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng nơi đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động chuyển đổi hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện”. Các quy định trên quy định việc sửa lỗi kỹ thuật, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ giao dịch đã được công chứng, trong đó có trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đổi, giải thể, tuy nhiên chưa có quy định đối với trường hợp Văn phòng công chứng tạm ngừng hoạt động, điều này là chưa phù hợp và chưa thống nhất với quy định tại khoản 4 Điều 30 dự thảo luật quy định. Văn phòng công chứng theo quy định của Luật Công chứng cũng là một tổ chức hành nghề công chứng và tại khoản 4 Điều 30 dự thảo Luật có quy định: “Văn phòng công chứng tạm ngừng hoạt động trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm bàn giao hồ sơ công chứng khi có yêu cầu sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ giao dịch, cấp bản sao văn bản công chứng cho tổ chức hành nghề công chứng được Sở Tư pháp chỉ định tiếp nhận hồ sơ thực hiện. Hết thời gian tạm ngừng hoạt động, các hồ sơ công chứng này được bàn giao lại cho Văn phòng công chứng”. Nếu không quy định tại Điều 49, Điều 50 về trường hợp Văn phòng công chứng tạm ngừng hoạt động, việc sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ giao dịch sẽ do tổ chức hành nghề công chứng nào thực hiện cũng chưa thống nhất với quy định liên quan đến các tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm này. Do đó, cần phải nghiên cứu và bổ sung các nội dung này để đảm bảo quyền lợi liên quan đến việc sửa lỗi kỹ thuật, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ giao dịch khi tổ chức hành nghề công chứng tạm ngừng hoạt động.

Thứ ba, liên quan đến người có quyền đề nghị tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu tại Điều 51. Dự thảo luật quy định “công chứng viên đã thực hiện việc công chứng, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật”. Theo quy định này người phiên dịch không có quyền đề nghị tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Theo quy định tại khoản 3 Điều 46 dự thảo luật trường hợp người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng Việt hoặc người khuyết tật nhìn, khuyết tật nghe, nói phải có người phiên dịch. Người phiên dịch do người yêu cầu công chứng mời và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phiên dịch của mình. Người phiên dịch phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thông thạo tiếng Việt và ngôn ngữ mà người yêu cầu công chứng sử dụng hoặc là người biết chữ của người khuyết tật nhìn hoặc biết nghe, nói, biết ngôn ngữ bằng ký hiệu của người khuyết tật nghe và nói, không có quyền lợi hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng. Người phiên dịch phải dịch đầy đủ, chính xác nội dung giao dịch, nội dung trao đổi của công chứng viên với người yêu cầu công chứng về quyền, lợi ích hợp pháp, nghĩa vụ của các bên khi tham gia giao dịch. Vậy trường hợp văn bản công chứng không thể hiện đầy đủ, chính xác nội dung thì người phiên dịch có quyền yêu cầu đề nghị tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu hay không? Đây là nội dung thực tiễn đòi hỏi, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để bổ sung đảm bảo phù hợp và đầy đủ cũng như tính thống nhất trong văn bản quy phạm pháp luật./.

Hoàng Ngọc Hoa, Chuyên viên Phòng Công tác Quốc hội
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP