Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

( Cập nhật lúc: 26/06/2024  )

Chiều 26/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đánh giá cao tiềm năng to lớn về dược liệu và nhu cầu của thị trường dược liệu của Việt Nam với đa dạng sinh học đứng thứ 16 trên thế giới với trên 36.000 loài thực vật, động vật, vi tảo, vi sinh vật biển trong đó có nhiều loài đặc hữu quý hiếm. Trong đó, có nhiều loài cây dược liệu quý, hiếm đặc hữu vừa có công dụng chữa bệnh vừa có giá trị kinh tế cao, được phân bố rộng khắp trên cả nước, như: sâm Ngọc linh, sâm Lai Châu, sâm vũ diệp, bảy lá một hoa, lan kim tuyến, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, vàng đắng, hoàng liên ô rô, hoàng liên gai, thanh thiên quỳ …

Với xu thế chung toàn cầu về việc sử dụng các sản phẩm từ tự nhiên, dược liệu được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người như thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hóa mỹ phẩm, thực phẩm thực dưỡng, đồ uống thảo dược. Nhu cầu sử dụng dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu chăm sóc, bảo vệ sức ngày càng cao. Tổng quy mô thị trường thị trường dược liệu, thuốc từ dược liệu và thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ dược liệu ở trong nước năm 2020 ước tính đạt trên 1 tỷ USD, quy mô thị trường thuốc thảo dược quốc tế năm 2021 khoảng 230,03 tỷ USD, thị trường sản phẩm làm đẹp từ thảo dược toàn cầu năm 2020 đạt 64,7 tỷ USD, có thể tăng trưởng đạt 117,3 tỷ USD vào năm 2027.

Theo đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư, đào tạo, nghiên cứu khoa học, thương mại hóa sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, phát triển chuỗi giá trị, liên kết, ưu tiên phát triển dược liệu, bài thuốc cổ truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bổ sung ưu đãi đặc biệt đối với hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ về bào chế, sản xuất, bảo tồn dược liệu quý hiếm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Góp ý đối với quy định về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược, đại biểu Nguyễn Thị Huế cho rằng, dự thảo Luật bổ sung thêm quy định về các quyền của cơ sở kinh doanh dược đối với trường hợp có kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng. Tuy nhiên, thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt, có những tác động gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cũng như tính mạng con người nên việc kinh doanh thuốc nói chung và kinh doanh thuốc bằng phương thức thương mại điện tử nói riêng cần phải được kiểm soát chặt chẽ.

Do vậy, đối với trường hợp kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử cần thiết phải có quy định rõ ràng, cụ thể hơn về những loại thuốc được phép kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử; những đối tượng được tham gia mua, bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử; quy trình giao thuốc đến khách hàng, truy xuất nguồn gốc... Đồng thời, cần có biện pháp đảm bảo việc mua, bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử bảo mật thông tin cho người mua, giá cả hợp lý, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, nếu quy định việc bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử thì đề xuất chỉ nên áp dụng đối với những loại thuốc không cần bác sĩ kê đơn.

Cùng quan điểm về quản lý kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, một số đại biểu đề nghị cần có quy định để quản lý hiệu quả hơn việc mua, bán thuốc, tuyệt đối không đưa thuốc kê đơn vào danh mục thuốc phân phối qua thương mại điện tử.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP