Tiếp tục ngày làm việc thứ 10, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào chiều 15/5, tại Tổ thảo luận số 11, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Vĩnh Long, Sơn La, Long An đã thảo luận tại tổ về: Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn làm Tổ trưởng chủ trì điều hành thảo luận.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn điều hành thảo luận Tổ
Tham gia thảo luận tại tổ đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới (Đoàn ĐBQH Bắc Kạn) đề nghị sửa đổi một số nội dung.
Đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp cận một cách tổng thể, toàn diện khi xác định đối tượng thụ hưởng chính sách. Theo đại biểu, từ cấp Trung ương, tỉnh đến xã, cần có quy định cụ thể và đầy đủ trong nghị quyết. Đáng chú ý, đại biểu đề nghị bổ sung lực lượng làm công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc vào danh sách thụ hưởng vì đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, phản biện, góp phần xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, nhưng lại chưa được đề cập trong dự thảo nghị quyết. Lấy ví dụ từ thực tiễn tại địa phương, đại biểu cho biết đội ngũ này vẫn đang thực hiện chức năng rất hiệu quả, do đó cần có cơ chế hỗ trợ tương ứng như các cấp khác vì nếu Trung ương có bộ phận giúp việc thì cấp tỉnh, cấp xã cũng cần có lực lượng tương ứng để bảo đảm tính hệ thống.
Về tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu cho rằng cần có chính sách động viên, hỗ trợ kịp thời cho cán bộ, công chức đặc biệt là ở cấp xã trong bối cảnh bộ máy đang dần chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp. Họ là những người trực tiếp tham mưu, tổ chức thi hành pháp luật, nên rất cần được đầu tư về môi trường làm việc và chính sách đãi ngộ để phát huy năng lực

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới tham gia thảo luận tại Tổ.
Liên quan đến tiến độ chuẩn bị và thông qua nghị quyết, đại biểu bày tỏ lo ngại khi thời gian quá gấp: sáng nghe tờ trình, chiều thảo luận tổ, ngày mai thảo luận hội trường và cuối tuần thông qua. Do đó, đại biểu đề nghị phải đánh giá kỹ lưỡng cả về đối tượng thụ hưởng và nguồn lực bảo đảm, tránh tình trạng ban hành chính sách nhưng không khả thi khi thực hiện.
Góp ý tại Điều 6 về Quỹ hỗ trợ xây dựng pháp luật, đại biểu đánh giá việc thành lập quỹ là cần thiết để giảm áp lực ngân sách và hỗ trợ các hoạt động chuyên môn. Tuy nhiên, dự thảo hiện nay mới chỉ nêu nội dung “nhận và sử dụng” quỹ mà chưa quy định cụ thể trách nhiệm cũng như chế tài xử lý vi phạm. Đại biểu đề xuất cần bổ sung rõ các nội dung này nhằm đảm bảo tính minh bạch, tránh lãng phí, tiêu cực trong quản lý và sử dụng quỹ. Đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm “hướng lái chính sách” để tránh hiểu mơ hồ hoặc lạm dụng trong triển khai. Về Điều 8 liên quan đến nhân lực xây dựng pháp luật, đại biểu cho rằng cần tách riêng nội dung “đào tạo, nâng cao chất lượng” và “thu hút, tuyển dụng” thành các điều khoản khác nhau để không bị lẫn lộn. Ngoài ra, cũng cần làm rõ nội hàm khái niệm “dữ liệu lớn” trong ứng dụng công nghệ pháp luật, nhằm thuận tiện cho việc triển khai trên thực tế.
Về tổ chức thi hành (Điều 11), đại biểu cho rằng chỉ cần quy định một lần “Chính phủ hướng dẫn thi hành” là đủ, không nên lặp lại ở nhiều điều khoản khác. Đồng thời, việc ghi “Chính phủ bố trí kinh phí bổ sung từ năm 2025” là không cần thiết, bởi nghị quyết đã quy định rõ hiệu lực từ ngày 1/7/2025 và không có hiệu lực hồi tố. Liên quan đến khoản 3 Điều 12, đại biểu cũng đề nghị bỏ nội dung quy định về văn bản khác có ưu đãi hơn để tránh hiểu rằng có thể áp dụng hồi tố, gây mâu thuẫn với nguyên tắc pháp luật.
Cùng tham gia thảo luận về dự thảo dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) nêu ý kiến như sau:
Chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân là một trong những trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Góp ý cho dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, đại biểu đánh giá cao việc dự thảo đã tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn thể chế, đồng thời từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là Chương 2 của dự thảo, với các quy định liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh. Theo nội dung trong Chương 2, Điều 4 quy định về nguyên tắc trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, tiếp cận nguồn lực và cạnh tranh đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, hiện Điều 4 mới chỉ tập trung chủ yếu vào vấn đề thanh tra, kiểm tra, trong khi các nội dung về cấp phép, chứng nhận và tiếp cận nguồn lực vẫn chưa được thể hiện rõ.
Thực tế cho thấy, thủ tục hành chính hiện nay vẫn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trong quy trình cấp phép, chứng nhận và tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nguồn lực từ Nhà nước. Do đó, đại biểu có ý kiến đề xuất bổ sung các nội dung cụ thể về cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động cấp phép, chứng nhận, cũng như việc tiếp cận các nguồn lực vào Điều 4 của dự thảo. Đồng thời, cần thực hiện cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết, đảm bảo phù hợp với quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 16 của dự thảo giao Chính phủ hoàn thiện việc rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh gây chồng chéo, cản trở hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trong năm 2025.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận tại Tổ
Một điểm đáng chú ý khác là Khoản 1, Điều 7 của dự thảo quy định về việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận địa điểm, mặt bằng sản xuất kinh doanh. Theo đó, các địa phương có thể sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho khu công nghiệp, khu công nghệ cao, vườn ươm doanh nghiệp với các hạng mục như: bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng, hạ tầng giao thông, điện nước, xử lý nước thải, thông tin liên lạc... Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất khi thực hiện, cần bổ sung quy định này vào dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), cụ thể là tại Khoản 11, Điều 8 quy định về nhiệm vụ chi ngân sách, do các nội dung trên hiện chưa được bao quát đầy đủ trong quy định hiện hành.
Về Điều 11 của dự thảo quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, tại Khoản 1 nêu rõ: các gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước có giá không quá 20 tỷ đồng sẽ ưu tiên dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là những doanh nghiệp do thanh niên, phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật làm chủ tại các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Đây là chính sách mang tính nhân văn, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yếu thế tiếp cận được cơ hội phát triển. Tuy nhiên, mức trần 20 tỷ đồng được cho là khá cao đối với nhiều gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao, có thể vượt quá năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này có thể dẫn đến tình trạng đấu thầu lại, gây kéo dài tiến độ và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công. Vì vậy, cần cân nhắc điều chỉnh mức giá trị gói thầu cho phù hợp, đảm bảo cả mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và yêu cầu về chất lượng, tiến độ thực hiện các gói thầu.