Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa

( Cập nhật lúc: 13/10/2022  )

Rác thải nhựa là những chất không được phân hủy nhiều trong môi trường, bao gồm nhiều chai lọ, túi đựng, đồ chơi cũ bằng nhựa và chất thải nilong gồm các bao bì bằng nhựa polyethylene (PE) sau khi sử dụng trở thành rác thải. Rác thải nilong thực chất là một hỗn hợp nhựa, trong đó chiếm phần lớn là nhựa PE là chất khó phân hủy.

- Khái quát thực trạng rác thải nhựa ở Việt Nam:

Theo các chuyên gia về chất thải rắn, Việt Nam đứng thứ 4 (sau Trung Quốc, Indonensia, Philippines) ở châu Á phát sinh nhiều chất thải nhựa.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc xếp Việt Nam ở vị trí thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.

Số lượng bao bì nhựa và túi ni lông sử dụng ngày càng gia tăng ở Việt Nam dẫn đến lượng thải bỏ tăng dần theo từng năm. Tỷ lệ rác thải bao bì, túi ni lông không được tái sử dụng, phải chôn lấp chiếm khoảng từ 5 - 8% tương đương với khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Chỉ số nhựa tiêu thụ tính trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua. Nếu như năm 1990, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 3,8 kg/năm thì đến năm 2015 con số này đã tăng lên 49 kg/người/năm, gấp gần 13 lần.

Lượng rác thải nhựa ngày một tăng, trong khi đó việc thu gom và xử lý vẫn còn nhiều hạn chế. chất thải nhựa và túi ni lông phát sinh từ các hộ gia đình, chợ, khu du lịch, khu vực công cộng ở Việt Nam chưa được tiến hành phân loại tại nguồn. Trong đó, một số ít loại chất thải nhựa có giá trị tái chế được thu gom mang tính chất tự phát ở quy mô ít hộ gia đình, người thu gom rác và nhặt phế liệu tự do. Còn chất thải nhựa không có hoặc có giá trị tái chế thấp, gồm túi nilon, hộp xốp các loại, ống hút nhựa... xử dụng một lần bị thải ra môi trường. Chúng được xử lý cùng với chất thải rắn sinh hoạt. Trong khi đó, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Hai phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp và đốt. Phương pháp chôn lấp gây tốn diện tích đất, chất thải không được xử lý triệt để, tiếp tục tồn tại lâu dài gây ô nhiễm đất, ô nhiễm nước.

- Tác hại của rác thải nhựa

Tác hại của rác thải nhựa bắt nguồn từ các đặc tính của nhựa: Khó phân hủy; chứa một số chất phụ gia có hại; quá trình phân hủy sản sinh khí nhà kính. Thời gian cần để phân hủy chai nhựa (450-1000 năm); ống hút (100-500 năm); cốc ly xốp (50-200 năm); túi nhựa (500-1000 năm); bỉm, tã lót (250-500 năm).

+ Tác động đến sức khỏe con người: Theo các nhà khoa học, sự lan truyền của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) thông qua chuỗi thức ăn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Nhựa sẽ dễ dàng tan chảy trong khoảng nhiệt độ từ 70 – 800 độ C và hòa vào thực phẩm, đi vào cơ thể người. Việc tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất trong đồ nhựa dùng một lần (như BPA, styrene) sẽ gây ra nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, viêm gan, dị ứng, rối loạn hệ thần kinh, rối loạn nội tiết và vô sinh.

Quá trình phân hủy rác thải nhựa có thể tạo ra các hạt vi nhựa. Hải sản ăn phải loại vi nhựa này rồi qua con đường ăn uống xâm nhập vào cơ thể con người, gây nhiều nguy cơ với sức khỏe. Theo WWF, hạt vi nhựa có trong 93% số mẫu nước đóng chai từ 11 nhãn hàng tại 9 quốc gia. Mỗi người hấp thụ tối đa là 4620 hạt vi nhựa/năm qua ăn uống với những nước tiêu thụ nhiều hải sản. Ngoài ra, mỗi năm mỗi người hít vào 13.731 - 68.415 hạt vi nhựa từ các đồ đạc trong gia đình.  Các vi hạt nhựa có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể của các loài sinh vật trong nước ngọt và trong môi trường biển; chúng có thể là vật trung gian gây tích tụ các loại hóa chất nguy hiểm, khi động vật ăn vào sẽ bị nhiễm độc, chất độc này lại được chuyển sang con người khi con người ăn các động vật đó.

+ Tác động đến sinh thái biển: Các chất thải như đồ nhựa, túi nhựa, chai nhựa, bình thủy tinh, giày dép cũ...phần lớn sẽ trôi ra biển thông qua sông ngòi và cống rãnh. Chất thải nhựa, cao su thường phân hủy rất chậm, chúng thường bị nhầm lẫn với thức ăn của các động vật biển. Nhiều đồ thải từ nhựa, cao su, vỏ lon,… đã được tìm thấy trong dạ dày của các loài cá, rùa và chim biển. Các hạt nhựa bị nuốt vào có thể gây tắc nghẽn hoặc hư hại thành ruột, làm giảm khả năng hấp thụ thức ăn của sinh vật, hoặc làm chết sinh vật.,…làm gián đoạn nội tiết tố sinh sản, tăng tần suất đột biến trong phân bào dẫn đến nguy cơ ung thư.

+ Tác động đến biến đổi khí hậu: Dù phải mất thời gian rất lâu, nhưng rác nhựa vẫn sẽ phân hủy dưới tác động của tự nhiên và ánh Mặt trời. Trong số các loại nhựa được thí nghiệm, nghiên cứu, thành phần sản sinh ra nhiều khí gây hại nhất là nhựa polyetylen có trong túi mua sắm, cũng là loại polime tổng hợp được sản xuất và thải ra môi trường nhiều nhất trên thế giới. Và đồng thời đây cũng là nguồn thải ra methane và ethylene lớn nhất, tác động thẳng đến quá trình Trái đất nóng lên và mực nước biển dâng cao, đe dọa đến nhiều cộng đồng sinh sống ven biển.

- Hành động của Việt Nam:

+ Thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ và phát động của Liên Hợp Quốc về “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”, năm 2018, Bộ TN&MT đã phát động Phong trào “Chống rác thải nhựa” với sự tham gia của các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức quốc tế, và cam kết của các hiệp hội doanh nghiệp, các siêu thị, Trung tâm thương mại trong việc cắt giảm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

+ Năm 2020 Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn, vv…

- Biện pháp để giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên các tổ chức đoàn thể, nhân dân về tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy đối với kinh tế, xã hội, môi trường và sức khỏe con người; giảm thiểu tiêu dùng, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; tăng cường phân loại để chất thải nhựa có thể được tái sử dụng, tái chế.

+ Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trước mắt hạn chế sử dụng nước đóng chai, sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của đơn vị.

+ Vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất túi ni lông khó phân hủy chuyển sang sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường, các loại túi đựng hàng thân thiện môi trường.

+ Vận động các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, nhà sách, cửa hàng ăn uống, các tổ chức và cá nhân bán lẻ giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và ni lông khó phân hủy, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường; có các hình thức cụ thể nhằm khuyến khích khách hàng đem theo túi khi đi mua sắm, hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần.

+ Mỗi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực. Thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng…

+ Kịp thời biểu dương, khen thưởng để động viên các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, tổ chức có đóng góp tích cực cho phong trào “Chống rác thải nhựa”, bảo vệ môi trường.

Nguyễn Hương, Phó Chánh Văn phòng phụ trách
(Trích tài liệu tuyên truyền của Đảng ủy các cơ quan tỉnh)
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP