Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm

( Cập nhật lúc: 25/10/2023  )

Chiều 24/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm, với 471/472 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, bằng 95,34% tổng số đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp

Phát biểu chủ trì phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp cho các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; đồng thời, đây cũng là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ.

Trong Tờ trình danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày nêu rõ, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, tổng số người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là 50 vị trí gồm những người giữ chức vụ: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Kết quả biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Hiện nay, số người đang giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là 49. Tuy nhiên, theo khoản 5, Điều 2 Nghị quyết số 96 quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm. Do đó, có 5 người được bầu, phê chuẩn trong năm 2023 sẽ không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Đặng Quốc Khánh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này gồm 44 người. Trong đó, có 2 người được lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 4 là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, 12 người được lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2, còn lại 30 người lấy phiếu tín nhiệm lần đầu. 

Sau khi bấm nút biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH tiếp tục thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả thảo luận sẽ được Ban Công tác đại biểu tổng hợp, báo cáo Quốc hội trước khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín trong sáng ngày 25/10/2023.

Trước đó, đầu phiên họp buổi chiều,  các ĐBQH đã thảo luận về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Cuối phiên thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trước khi chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật để Quốc hội biểu quyết thông qua./.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP