Chính phủ hành động quyết liệt để bảo đảm quyền trẻ em
( Cập nhật lúc:
15/04/2025
)
Thực hiện trách nhiệm báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện quyền trẻ em quy định tại Điều 80 Luật Trẻ em, vừa qua Chính phủ đã báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện quyền trẻ em năm 2024.
Báo cáo cho thấy, việc bảo đảm quyền trẻ em tiếp tục là một trong những trọng tâm được Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ trong năm 2024. Với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, nhiều chính sách, chương trình được triển khai hiệu quả, qua đó góp phần cải thiện rõ nét điều kiện sống, học tập và phát triển toàn diện cho trẻ em trên cả nước.
Nhận diện rõ những thách thức mới đối với công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là nguy cơ xâm hại, bạo lực trong môi trường mạng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế pháp lý, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng an toàn cho trẻ em. Hệ thống Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) phát huy hiệu quả, là kênh tiếp nhận thông tin nhanh chóng, kịp thời xử lý nhiều vụ việc xâm hại, bạo lực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào các chính sách bảo vệ trẻ em của Đảng, Nhà nước.
Tỷ lệ trẻ em được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản, đặc biệt là tiêm chủng mở rộng và khám, chữa bệnh ban đầu tiếp tục được duy trì ở mức cao. Chính phủ chỉ đạo mở rộng chương trình sữa học đường, hỗ trợ dinh dưỡng học đường và cải thiện thể chất cho trẻ em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Trong lĩnh vực giáo dục, nhiều chính sách về giáo dục hòa nhập, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn được triển khai hiệu quả; công tác chuyển đổi số trong giáo dục bước đầu đem lại kết quả tích cực, tạo cơ hội tiếp cận tri thức công bằng cho trẻ em trên mọi miền đất nước.
Chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tiếp tục được thực hiện đồng bộ. Trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được bảo vệ, chăm sóc và hỗ trợ hoà nhập cộng đồng. Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng cơ chế, mô hình hỗ trợ toàn diện cho nhóm trẻ em này, thể hiện rõ vai trò trách nhiệm trong thực hiện quyền trẻ em tại cơ sở.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế như: tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em còn diễn biến phức tạp; chênh lệch trong tiếp cận dịch vụ giữa các vùng, miền; công tác phối hợp liên ngành và nguồn lực tại cơ sở còn thiếu và yếu.
Trong thời gian tới, Chính phủ xác định sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác trẻ em các cấp. Đồng thời, thúc đẩy xã hội hóa, huy động sự tham gia tích cực của gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội trong bảo đảm quyền trẻ em. Việc thực hiện đầy đủ và thực chất các quyền trẻ em không chỉ là trách nhiệm, mà còn là thước đo mức độ phát triển bền vững và văn minh của quốc gia.
Trong Báo cáo, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em; xem xét, đánh giá những vấn đề có liên quan đến trẻ em trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật Trẻ em; chỉ đạo tăng cường tổ chức các hoạt động gặp mặt, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em và tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.