Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính phủ quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật

( Cập nhật lúc: 04/04/2025  )

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ, tổ chức vào ngày 19/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 01/4/2025 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2025.

Nhằm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật, Chính phủ đã chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm một số nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, Luật chỉ quy định những vấn đề đã chín, đã rõ, mang tính nguyên tắc, đã được đa số đồng tình, chấp thuận và thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Các vấn đề quá cụ thể của Luật cần được rà soát để giao Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tiễn và sự biến động, phát triển nhanh chóng của xã hội; đáp ứng các yêu cầu về kiện toàn, tinh giản bộ máy, đơn vị hành chính theo tinh thần chỉ đạo của Đảng hiện nay.

Thứ hai, quán triệt, thực hiện nghiêm quy định trong việc xây dựng các dự án Luật, Pháp lệnh, yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ, trình bày Tờ trình một cách khoa học, trong đó thuyết minh đầy đủ, súc tích, rõ ràng những nội dung cơ bản làm cơ sở cho cơ quan thẩm định, thẩm tra tiếp cận, nghiên cứu, đánh giá và tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, cụ thể như sau:

Đối với các dự án Luật, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung, cần làm rõ: (1) Những quy định kế thừa hoặc lược bỏ, vì sao? (2) Những quy định sửa đổi, hoàn thiện cụ thể, vì sao? (3) Những quy định bổ sung mới, vì sao? (4) Những nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính là bao nhiêu, vì sao? (5) Những nội dung phân cấp, phân quyền, cụ thể là gì, cho ai, vì sao? (6) Những vấn đề còn ý kiến khác nhau hoặc cần báo cáo Thường trực Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Đối với các dự án Luật, Pháp lệnh mới, cần làm rõ các nội dung: (1) Đường lối, chính sách của Đảng được cụ thể hóa như thế nào? (2) Những vấn đề thực tiễn pháp luật chưa quy định là gì? (3) Những vấn đề gì pháp luật đã quy định nhưng chưa phù hợp? (4) Những nội dung vướng mắc cần tháo gỡ là gì? (5) Việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính như thế nào? (6) Việc phân cấp, phân quyền như thế nào? (7) Các vấn đề còn ý kiến khác nhau cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, việc xây dựng Luật cần tập trung nguồn lực, tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, các công cụ trợ lý ảo, cơ sở dữ liệu hỗ trợ…; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chế độ, chính sách xứng đáng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm pháp luật để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cả về chất lượng và tiến độ. Giao Bộ Tư pháp chuẩn bị trình Chính phủ trong tháng 4 năm 2025 Quy định về đảm bảo nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật.

Thứ tư, tập trung rà soát, đánh giá các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thí điểm một số chính sách đang được triển khai có hiệu quả tốt, phát huy tác dụng để đề xuất tiếp tục thí điểm, bổ sung giải pháp phù hợp giúp tháo gỡ các điểm nghẽn, xóa bỏ ách tắc.

Thứ năm, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật dự kiến cần sửa đổi, bổ sung theo định hướng sửa đổi Hiến pháp, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp xây dựng báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội đúng thời hạn.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, pháp luật và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết./.

Triệu Tuyên
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP