Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tổ giám sát số 1 Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại huyện Pác Nặm

( Cập nhật lúc: 11/04/2025  )

Ngày 09/4, tại xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, Tổ giám sát số 1 Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn huyện Pác Nặm.

Tổ giám sát do đồng chí: Trần Thị Lộc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm Tổ trưởng; đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn, Tổ phó cùng các thành viên Tổ giám sát là lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo UBND, phòng chuyên môn huyện Pác Nặm, lãnh đạo và cán bộ chuyên môn xã Bộc Bố.

Đồng chí Trần Thị Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo của UBND huyện, đối với Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, Nội dung số 1: Hỗ trợ đất ở và  Nội dung số 3: Hỗ trợ đất sản xuất địa phương không triển khai thực hiện do không có quỹ đất để hỗ trợ trực tiếp.

Đối với Tiểu dự án 1, Dự án 3, vốn sự nghiệp phân bổ cho UBND các xã thực hiện 37.821,9 triệu đồng, thực hiện thanh toán được 20.831,6 triệu đồng, đạt 55,1% kế hoạch. Thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng phòng hộ, sản xuất 7.336,56 ha (Diện tích rừng phòng hộ 3.869,45 ha; diện tích rừng sản xuất 3.467,11 ha), với 77 cộng đồng tham gia; hỗ trợ bảo vệ rừng phòng hộ, sản xuất 7..389,1 ha (Diện tích rừng phòng hộ 1.300,54 ha; diện tích rừng sản xuất 6.088,56 ha), với 2.471 hộ tham gia; hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ 616,49 ha; trợ cấp gạo cho hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào DTTS tham gia bảo vệ và phát triển rừng 608.441 kg. Kết quả triển khai thực hiện trồng rừng còn đạt thấp so với kế hoạch huyện giao, còn diện tích rừng tự nhiên chưa được đưa vào thiết kế bảo vệ. Quá trình thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc như: Nguồn vốn năm 2022 phân bổ chậm. Đối với hạng mục hỗ trợ gạo cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, UBND các xã (chủ đầu tư) còn lúng túng về tiêu chí xác định hộ gia đình, cá nhân trong thời gian chưa tự tục được lương thực, vì vậy việc triển khai hỗ trợ gạo cho các hộ gia đình, cá nhân chưa đảm bảo kịp thời. Theo Luật Đấu thầu năm 2023 quy định đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá trị gói thầu trong hạn mức từ trên 100 triệu đồng phải chào hàng cạnh tranh; vì vậy công tác triển khai lập hồ sơ mua cây giống, phân bón để triển khai trồng rừng do UBND các xã (chủ đầu tư) gặp rất nhều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và chất lượng rừng trồng.

Đối với hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vốn sự nghiệp phân bổ cho Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm DVNN  và UBND các xã thực hiện 28.440,4 triệu đồng, thực hiện thanh toán được 25.046,3 triệu đồng, đạt 88,1% kế hoạch. Thực hiện hỗ trợ 06 dự án liên kết theo chuỗi giá trị, 51 dự án phát triển sản xuất cộng đồng. Quá trình thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất còn một số khó khăn, vướng mắc như: Việc huy động vốn đối ứng từ người dân còn khó khăn do đối tượng là các hộ nghèo, cận nghèo; một số dự án thiếu nhân lực thực hiện do người trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa hoặc người già khó khăn trong công tác triển khai thực hiện. Đội ngũ cán bộ, công chức triển khai dự án tại một số xã còn hạn chế chuyên môn và quản lý dự án. Địa hình của huyện chủ yếu là đồi núi, chia cắt, diện tích canh tác của các hộ dân manh mún, nhỏ lẻ, giao thông đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến việc vận chuyển vật tư, thiết bị, cũng như tiêu thụ sản phẩm; hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng đầy đủ, do vây khó khăn trong việc triển khai các dự án liên kết sản xuất nông nghiệp. Thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định.

Đối với Tiểu dự án 3, Dự án 5, vốn sự nghiệp giao cho Phòng Lao động, TB&XH, Trung tâm GDNN-GDTX thực hiện là 8.104,1 triệu đồng, thực hiện thanh toán được 7.611,6 triệu đồng, đạt 93,9% kế hoạch. Tổ chức đào tạo nghề dưới 03 tháng được 1.389 học viên; hỗ trợ cho 105 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức 42 lớp tuyên truyền, tư vấn cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Quá trình thực hiện còn một số khó khăn trong quá trình thực hiện quá trình thực hiện như: Chưa liên kết được các doanh nghiệp tham gia dạy nghề gắn với giải quyết việc làm sau khi người lao động học xong nghề; người lao động sau khi học xong nghề chưa tự tạo được việc làm ổn định tại địa phương để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, chưa mạnh dạn vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Đối với Tiểu dự án 4, Dự án 5: Vốn sự nghiệp giao cho Văn phòng HĐND và UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thực hiện là 2.191,1 triệu đồng, thực hiện thanh toán được 1.754,3 triệu đồng, đạt 80,1% kế hoạch. Tổ chức 90 hội nghị tập huấn với 4.169 học viên; 05 cuộc học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh với 216 đại biểu tham gia. Quá trình thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc như: Một số học viên là người dân trình độ còn hạn chế; đa phần sản xuất nông, lâm nghiệp của người dân trên địa bàn theo kiểu trồng cây hoặc nuôi con theo truyền thống còn thô sơ, ít cơ giới hoá, sản phẩm làm ra chủ yếu bán thô hoặc chế biến sơ rồi bán cho thương lái, đầu mối thu gom do vậy hiệu quả sản xuất chưa cao. Đối với đội ngũ cán bộ triển khai Chương trình các cấp tại địa phương, một số nơi còn yếu về chuyên môn; báo cáo viên của huyện chủ yếu làm công tác chuyên môn, ít được đào tạo bài bản về kỹ năng, phương pháp giảng dạy, do đó, quá trình chia sẻ, truyền đạt, tập huấn bồi dưỡng vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Đối với Dự án 8, vốn sự nghiệp giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ huyện và UBND các xã thực hiện 4.590,2 triệu đồng, thực hiện thanh toán được 4.303,5 triệu đồng, đạt 93,8% kế hoạch. Tổ chức tập huấn 30 lớp với hơn 2.400 lượt người tham gia tại trung tâm huyện và 10/10 xã; phối hợp thành lập được 47 Tổ truyền thông cộng đồng tại 47/80 thôn đặc biệt khó khăn; 05 Mô hình Điểm địa chỉ tin cậy tại 05 xã Bộc Bố, Giáo Hiệu, Công Bằng, Cổ Linh, Nghiên Loan; 09 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại 09 Trường học; phối hợp tổ chức được 232 cuộc Chiến dịch truyền thông, đối thoại chính sách, nói chuyện chuyên đề, hội thi, cuộc thi liên quan đến quyền, lợi hợp pháp chính đáng của hội viên phụ nữ và nhân dân. Quá trình thực hiện dự án còn một số khó khăn, vướng mắc như: Việc tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn do nhiều hội viên, phụ nữ đi làm ăn xa, các hộ gia đình thôn vùng cao sống không tập trung, đi lại không thuận lợi. Chính sách hỗ trợ cho một số hoạt động của dự án ít kinh phí nên chưa thu hút được các thành phần tham gia.

Tại buổi làm việc, đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ thêm các nội dung chưa thống nhất về số liệu, số lượng, việc rà soát nhu cầu, lập kế hoạch cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: Việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, làm nhà ở xóa nhà tạm, nhà dột nát…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thị Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Tổ trưởng tổ công tác đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của huyện. Thời gian tới, UBND huyện Pác Nặm cần tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên để linh hoạt triển khai tại địa phương. Trước mắt tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án đã phê duyệt qua đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn; tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát. Cần đánh giá lại tính hiệu quả, tính bền vững của các chương trình, dự án đã triển khai thực hiện hỗ trợ trên địa bàn xã để rút kinh nghiệm và có hướng điều chỉnh triển khai hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Trước đó, Đoàn giám sát đã tổ chức giám sát việc thực hiện Chương trình tại xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm.

Huy Nhân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP