Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Những điểm mới của Luật Đầu tư công (sửa đổi)

( Cập nhật lúc: 24/12/2024  )

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 441/448 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 92,07% tổng số đại biểu Quốc hội.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Đầu tư công (sửa đổi) là thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C. Việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý là thay đổi lớn từ thẩm quyền của HĐND các cấp sang UBND các cấp. Để bảo đảm tính chặt chẽ, Luật đã bổ sung thẩm quyền “quyết định chủ trương đầu tư dự án” đi đôi với trách nhiệm “báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất”.

Với tinh thần đổi mới, nhằm tăng cường tính linh hoạt trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã giao Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong các trường hợp: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong trường hợp không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong nội bộ và giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn trung hạn của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được Quốc hội quyết định.

Về gia hạn thời gian bố trí vốn như sau: Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định; Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án quyết định gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C không quá 01 năm, riêng dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng đến dưới 30.000 tỷ đồng không quá 02 năm;

Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C không quá 01 năm, riêng dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng đến dưới 30.000 tỷ đồng không quá 02 năm; Trường hợp dự án đã gia hạn theo quy định tại điểm b và điểm c của khoản này mà phải tiếp tục gia hạn, cơ quan chủ quản dự án kiểm điểm trách nhiệm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với vốn ngân sách trung ương; Ủy ban nhân dân kiểm điểm trách nhiệm, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với vốn ngân sách địa phương.

Về thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm: Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đối với vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm nhưng không quá ngày 31 tháng 12 năm sau trong các trường hợp sau: Dự án quan trọng quốc gia; Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; Dự án được bố trí kế hoạch vốn để hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm kế hoạch nhưng không được bố trí vốn kế hoạch năm sau; Dự án bị ảnh hưởng tiến độ do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, nguyên nhân khách quan khác không thể lường trước được và không thể khắc phục được; Dự án cơ quan đại diện và cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài; Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ có duy nhất 01 dự án trong năm kế hoạch hoặc không thể thực hiện điều chỉnh kế hoạch; Các trường hợp cần thiết, cấp bách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư quyết định việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với vốn từ nguồn thu hợp pháp dành để đầu tư của đơn vị mình quản lý, báo cáo cơ quan chủ quản. Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư do Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp mình quản lý.

Về quy định hạn mức 20% đối với các dự án qua hai kỳ trung hạn tại Điều 93, Luật Đầu tư công sửa đổi theo hướng: quy định tiếp tục giữ quy định về hạn mức 20%; Bổ sung quy định đối với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội; Bổ sung quy định đối với dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; Bổ sung quy định cho phép vượt mức 20%: “cấp có thẩm quyền báo cáo để được phép quyết định vượt mức, nhưng không được vượt quá 50% số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước”.

Về các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng cũng được quy định trong luật như: Tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án độc lập; Giao 01 UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đi qua địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; Cho phép HĐND cấp tỉnh bố trí vốn ngân sách địa phương để uỷ thác thực hiện các chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội…

Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 103) và thay thế Luật Đầu tư công năm 2019 hiện hành.

Hoàng Minh Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP