HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp tại huyện Chợ Đồn và huyện Bạch Thông
( Cập nhật lúc:
09/03/2022
)
Thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 của HĐND tỉnh, Tổ số 02 Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Đồng Thị Vân Thoa, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh làm Tổ trưởng đã tiến hành giám sát việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp quy định tại Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh tại huyện Chợ Đồn và huyện Bạch Thông.
Đoàn giám sát tham quan xưởng sản xuất đũa và ván bóc của Công ty TNHH Trường Thành Bắc Kạn, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn
Theo báo cáo, trên địa bàn huyện Chợ Đồn có 37 HTX đang hoạt động với 277 thành viên HTX với tổng vốn điều lệ khoảng 47 tỷ đồng; riêng năm 2021 thành lập mới 12 HTX. Trong các HTX nêu trên, có 33 HTX xã nông nghiệp (chiếm 89% số lượng HTX), số vốn hoạt động khoảng 34,14 tỷ đồng. Các HTX dịch vụ nông nghiệp đã đảm bảo tốt một số khâu dịch vụ chủ yếu phục vụ sản xuất của các thành viên; hoạt động liên kết với các đơn vị khoa học, doanh nghiệp…Các HTX phi nông nghiệp có 04 HTX (chiếm 11% số lượng HTX) với số vốn hoạt động khoảng 12,9 tỷ đồng. Các HTX phi nông nghiệp làm ăn có nhiều thuận lợi do thị trường ổn định, nhu cầu thị trường tăng, vật tư, nhân công ổn định. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 10 HTX sản xuất sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, chưa có sạt phẩm đạt tiêu chuẩn 4, 5 sao.
Tại huyện Bạch Thông, đến hết năm 2021, toàn huyện có 36 HTX đang hoạt động, các HTX đều được quản lý và hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012. Trong số các HTX đang hoạt động trên địa bàn nổi bật có một số HTX như: HTX Đại Hà với sản phẩm chủ yếu là cam, quýt và măng khô; HTX dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang với các sản phẩm về Nấm; HTX Hương Ngàn với sản phẩm chủ yếu là tinh dầu sả, tinh dầu quýt; HTX Thiên An với các sản phẩm về thảo dược. Các HTX trên đều có các sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao OCOP.
Tại các huyện, Đoàn giám sát đã làm việc với một số HTX để nắm thêm thông tin về việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của tỉnh, về nhu cầu hỗ trợ giúp tháo gỡ khó khăn cho HTX,vv… Đối với UBND các huyện, Đoàn giám sát đã trao đổi, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 08. Đó là: Thủ tục thanh quyết toán còn phức tạp; quy mô và mức hỗ trợ còn có nội dung bất cập; còn có chính sách hỗ trợ chưa đi vào cuộc sống hoặc chỉ có số ít đối tượng được tiếp cận chính sách hỗ trợ do yêu cầu về quy mô đối với một số lĩnh vực chưa hợp lý,vv…
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Đồng Thị Vân Thoa, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, Tổ trưởng Tổ giám sát đã đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết của các địa phương, nhất là huyện Chợ Đồn, qua làm việc Đoàn giám sát nhận thấy cơ bản việc thực hiện các nội dung hỗ trợ theo Nghị quyết và các hồ sơ, thủ tục liên quan trên địa bàn huyện hầu như không có khó khăn, vướng mắc. Việc giám sát thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là cơ sở để HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh cho phù hợp với thực tiễn, giúp các HTX nông nghiệp tiếp cận đầy đủ các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Đoàn giám sát đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các chính sách tại Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh. Đối với các ý kiến, kiến nghị của huyện, Đoàn sẽ tổng hợp có ý kiến với UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan và nghiên cứu tiếp thu trong quá trình xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh.