Thảo luận về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
( Cập nhật lúc:
04/06/2022
)
Sáng ngày 03/6/2022, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia phát biểu ý kiến.
Đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu ý kiến
Tại phiên thảo luận, đồng chí Nguyễn Thị Thủy tán thành với đề nghị của Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tổ chức thí điểm hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, bởi:
Thứ nhất, việc tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là cần thiết để cải tạo phạm nhân và tái hòa nhập cộng đồng sau này. Theo thống kê, tổng số phạm nhân hiện đang chấp hành án phạt tù khoảng 150.000 người, trong đó có tới 67% mới chỉ học hết cấp I, cấp II, cá biệt có 4,7% không biết chữ, 54% trước khi phạm tội không có nghề nghiệp hoặc là lao động tự do. Trung bình mỗi năm có khoảng 46.000 phạm nhân trong độ tuổi lao động ra trại, cho thấy nhu cầu tìm việc làm rất lớn. Do đó, nếu như không tổ chức tốt việc lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân thì sẽ rất khó khăn với họ trong tìm kiếm việc làm và nguy cơ tái phạm sẽ rất lớn.
Thứ hai, vì những lý do bất khả kháng nên nhiều trại đã không tổ chức tốt việc này. Theo đại biểu, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ở trong trại là tốt nhất. Thời gian qua phương án thu hút các doanh nghiệp để tạo việc làm cho phạm nhân ngay trong khuôn viên của doanh nghiệp đã được đặt ra nhưng chỉ thực hiện được ở một số trại. Bởi vì, trong tổng số 54 trại trên cả nước thì có tới 34 trại đóng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, giao thông đi lại không thuận tiện, dẫn tới chi phí sản xuất cao và các doanh nghiệp không đầu tư.
Thứ ba, để tháo gỡ những khó khăn trên, thời gian qua Bộ Công an cũng đã tổ chức thí điểm bước đầu cho phạm nhân lao động ngoài trại giam để làm cơ sở báo cáo với Quốc hội. Theo báo cáo của Bộ Công an, các điểm lao động đều được xây dựng theo mẫu thiết kế của trại giam, nằm trong khuôn viên của doanh nghiệp, có tường rào bao quanh và tách biệt hẳn với khu dân cư. Kết quả thí điểm tại nhiều điểm lao động đã giúp đa dạng hóa các ngành, nghề như xây dựng, may mặc, cơ khí thay vì thuần túy chỉ là làm nông nghiệp. Tại nhiều điểm lao động còn tổ chức hội thi tay nghề giỏi, qua đó đã giúp cho các phạm nhân có các cơ hội để được học nghề, truyền nghề. Nhiều phạm nhân từ chỗ không biết làm nghề gì đến nay đã có tay nghề vững vàng, nhiều phạm nhân đã được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm ngay sau khi ra trại.
Thứ tư, một trong những chính sách rất nhân văn đối với phạm nhân đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2018, đó là chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo đó, phạm nhân chỉ cần chấp hành được 1/2 thời hạn tù, có ý thức cải tạo tốt và đáp ứng một số điều kiện khác là có thể được tha tù sớm để tự cải tạo ngoài xã hội. Ví dụ, phạm nhân bị phạt tù 10 năm thì có thể chỉ phải chấp hành 5 năm trong trại, còn 5 năm còn lại sẽ được tự cải tạo ngoài xã hội. Pháp luật đã tiến tới việc mở cơ hội cho phạm nhân được tha tù sớm để tự cải tạo ngoài xã hội. Việc cho phép phạm nhân được lao động, học nghề, hướng nghiệp ở ngoài trại, dưới khuôn viên của doanh nghiệp, dưới sự quản lý chặt chẽ của trại giam cũng cần thiết được đặt ra.
Từ những nhận định trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, việc Quốc hội cho phép thí điểm tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là một trong những giải pháp quan trọng đóng góp cho công tác tái hòa nhập cộng đồng, giúp cho phạm nhân có được tay nghề vững vàng để dễ tìm được việc làm sau khi mãn hạn tù.