Thảo luận tổ về dự án đường Hồ Chí Minh và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa
( Cập nhật lúc:
25/05/2022
)
Theo chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 24/5/2022, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn thảo luận tại Tổ số 3 cùng các tỉnh: Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Thuận. Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận tổ.
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì điều hành phiên thảo luận tổ
Thảo luận tại tổ, các đại biểu thống nhất việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa nhằm tạo cơ chế, chính sách đột phá để huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần đạt được các mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra trong Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022.
Đối với nội dung tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13, Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó Tư lệnh Quân khu 1, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, tiến độ triển khai thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh còn chậm. Đối với phân kỳ đầu tư đến năm 2020, dự án chưa đạt yêu cầu nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe. Theo Tờ trình của Chính phủ, đến hết năm 2020 còn 06 đoạn với tổng chiều dài khoảng 279 km chưa triển khai, trong đó mới cân đối bố trí vốn cho 03 đoạn với tổng chiều dài 108 km, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Đến năm 2021, dự án đã được triển khai hoàn thành khoảng 2.362 km/2.744 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang thực hiện 211 km; chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện 171 km còn lại để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh.
Trong nội dung tổng kết đánh giá về tính hiệu quả của dự án chưa gắn với từng địa bàn: đối với các tỉnh đồng bằng có nhiều tuyến đường đi qua và các tỉnh chỉ có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua. Thực tế, từ điểm đầu Pác Bó (Cao Bằng) đến tỉnh Thái Nguyên, đường Hồ Chí Minh chủ yếu mở trên đường cũ, đường nhỏ hẹp, độ cong cua lớn, đi qua các khu dân cư không đảm bảo an toàn trong lưu thông. Đề nghị trong tổng kết cần phải đánh giá cụ thể để có phương hướng khắc phục trong giai đoạn tới.
Đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu ý kiến
Đồng tình với ý kiến của Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nhận định, những tồn tại hạn chế trong báo cáo tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Chính phủ chưa cụ thể. Đề nghị cần phân tích rõ hơn một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến hạn chế của Dự án được nêu trong báo cáo của Chính phủ: Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn chưa hết trách nhiệm, thiếu tập trung, quyết liệt và kịp thời; công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra kế hoạch, chương trình dự án thực hiện chưa sát sao, chưa đầy đủ; công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý trách nhiệm trong việc chậm tổ chức thực hiện, chậm giải ngân vốn trong một số trường hợp chưa nghiêm túc, thiếu kịp thời… Đề nghị sau phiên thảo luận tổ, Chính phủ tổng hợp kịp thời ý kiến của các ĐBQH và cơ quan thẩm tra để sớm cung cấp thông tin, đánh giá bổ sung thêm đối với những ý kiến ĐBQH quan tâm trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13.
Thảo luận việc đầu tư dự án Đường Hồ Chí Minh, đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, đường Hồ Chí Minh là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xóa đói, giảm nghèo. Dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2004, thời hạn thông tuyến từ năm 2010 theo Nghị quyết số 38/2004/QH11, điều chỉnh thời gian đến năm 2020 theo Nghị quyết số 66/2013/QH13. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa đạt yêu cầu thông toàn tuyến quy mô 2 làn xe. Từ điểm cầu Pác Bó (Cao Bằng) đến tỉnh Thái Nguyên dài hơn 200km cơ bản đường trùng nhau, chỉ có 2 điểm tránh dài hơn 10km; đi qua các thị trấn, thị tứ mất an toàn giao thông, không có các trạm dừng nghỉ… Do vậy, trong giai đoạn tới, mục tiêu đầu tiên của Dự án là tránh các thị trấn, thị tứ, đảm bảo an toàn giao thông không để xảy ra tai nạn, xây dựng các trạm dừng nghỉ cũng là điểm giao lưu văn hóa trên tuyến đường này cho đúng với ý nghĩa của con đường Hồ Chí Minh.
Đối với Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Hoàng Duy Chinh đề nghị Quốc hội cần giao rõ hơn trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện, đề nghị ghi rõ trong Nghị quyết giao cho 1 cơ quan, đơn vị, Chính phủ giám sát thực hiện, định kỳ hàng năm Chính phủ báo cáo với Quốc hội về tiến độ, những điều chỉnh khi có thay đổi… để đảm bảo mục tiêu Nghị quyết đưa ra.
Tổng hợp kết quả thảo luận tổ, đồng chí Hoàng Duy Chinh, Tổ trưởng tổ thảo luận đề nghị thư ký ghi chép đầy đủ ý kiến của 11 vị ĐBQH đã tham gia phát biểu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định./.