Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận về các dự thảo Luật: Sở hữu trí tuệ; Phòng, chống bạo lực gia đình và Thực hiện dân chủ ở cơ sở

( Cập nhật lúc: 01/06/2022  )

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 3, ngày 31/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; thảo luận ở tổ về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 2. Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, tiến hành khảo sát thực tiễn, tổ chức hội thảo, tọa đàm, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, lấy ý kiến Chính phủ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 8. Sau đó, dự thảo luật tiếp tục được xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tháng 3/2022 và các cơ quan liên quan. Trên cơ sở đó, dự thảo luật đã được tiếp thu, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này.

Trong phiên họp toàn thể tại hội trường, các đại biểu đã thảo luận, nêu các ý kiến liên quan đến cơ chế giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; việc thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca; về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài; điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng; trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian…

Buổi chiều cùng ngày, các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã tham gia nhiều ý kiến để góp phần hoàn thiện các dự thảo luật.

Đối với dự án Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đề nghị xem xét cân nhắc một số hành vi bạo lực gia đình tại Điều 4 gồm: Hành vi có khả năng thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp và hành vi phát tán hình ảnh của thành viên gia đình khi chưa được sự nhất trí của người đó. Theo ý kiến đại biểu Thủy, giữa Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Luật Trẻ em có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, trong dự thảo luật có nhiều khái niệm, nhiều quy định mới liên quan đến trẻ em, do đó cần rà soát cụ thể để đảm bảo sự phù hợp, xác đáng giữa các quy định của 2 Luật này. Mặt khác, trẻ em là đối tượng đặc biệt, do đó, các biện pháp bảo vệ trẻ em được nêu ra trong Luật này cần được quy định theo hướng nhanh hơn và sớm hơn so với các quy định về bảo vệ các thành viên khác trong gia đình. Đồng thời cần nghiên cứu xem xét sửa đổi các quy định trong Luật để tạo cơ sở cho sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề gia đình và trẻ em là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Đại biểu Ngyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) tham gia ý kiến đối với dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cũng đề nghị: Bổ sung vào Điều 2 hành vi đe dọa vào các hành vi bạo lực gia đình; bổ sung thêm thành phần Mặt trận Tổ quốc và Hội Liên hiệp phụ nữ tham gia giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc tại Điều 35 của dự thảo. Đại biểu Huế cũng đề nghị xem xét lại quy định tại Điều 49 về đào tạo, bồi dưỡng người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc chịu trách nhiệm về kết quả phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn và việc phân công người giúp đỡ, động viên những người có hành vi bạo lực gia đình tại khoản 8 Điều 56 của dự thảo.

Đối với dự án Luật dân chủ ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu về sự phù hợp của quy định tỷ lệ 10% cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình đồng thuận với sáng kiến đề xuất của cử tri tại thôn, tổ dân phố mới được đưa ra cộng đồng dân cư bàn và quyết định (tại khoản 3 của Điều 14 dự thảo Luật). Đồng thời, đề nghị xem xét lại quy định về chủ thể có thẩm quyền bàn và quyết định những vấn đề tại cộng đồng dân cư theo quy định tại Điều 15 và quy định về việc tổ chức thi hành văn bản của cộng đồng dân cư tại Điều 21 của dự thảo luật.

Lục Thúy
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP