Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
( Cập nhật lúc:
31/05/2023
)
Sáng nay (31/5), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của các Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận đầu tiên ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Các thành viên Chính phủ tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận
Các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ, ghi nhận năm 2022 dù gặp nhiều thách thức, khó khăn song nước ta đã thực hiện thắng lợi khá toàn diện nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội; kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục tăng tưởng nhanh, đạt 8,02% là mức tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Đối với những tháng đầu năm 2023, thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; ngành du lịch tiếp tục phục hồi; các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, quốc phòng an ninh được bảo đảm.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, đã có nhiều nỗ lực trong tháo gỡ nhiều điểm nghẽn và nắm bắt cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng.
Quan tâm đến lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy phản ánh: Về bản chất, bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm mang tính nhân văn cao, giúp hỗ trợ con người, giảm thiểu những mất mát, thiệt hại trước những rủi ro liên quan đến tính mạng, sức khỏe, ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, sau nhiều kiện cáo, bức xúc của khách hàng được đăng tải công khai thời gian vừa qua đã khiến cho dư luận không khỏi nghi ngại. Vừa qua, nhiều tờ báo đã đăng tải các bài để chỉ cách cho người dân tránh rủi ro khi mua bảo hiểm nhân thọ, cho thấy đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét vấn đề này để những giá trị cốt lõi nhân văn của bảo hiểm nhân thọ không bị ảnh hưởng bởi những đối tượng cố tình vi phạm để trục lợi.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) kiến nghị phải minh bạch hoạt động bảo hiểm nhân thọ
Phân tích về những bất cập của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết hợp đồng bảo hiểm thường dài khoảng từ 70 đến 100 trang, là sản phẩm tài chính phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà sự thua thiệt sẽ chủ yếu nằm về phía người mua. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, đội ngũ tư vấn viên bảo hiểm mới chính là khâu mấu chốt dẫn đến nhiều kiện cáo tranh chấp vừa qua. Chính vì tính chất rất phức tạp của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, cho nên mới cần đến đội ngũ tư vấn viên, nhưng không ít tư vấn viên cố tình tư vấn mập mờ, thiếu minh bạch, thậm chí tư vấn sai lệch về sản phẩm bảo hiểm, chỉ nói cho khách hàng về những quyền lợi mà họ được hưởng, không chỉ rõ cho khách hàng về những điều khoản ràng buộc, những điều khoản bất lợi… Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết, dư luận cũng đặt câu hỏi là có hay không việc công ty bảo hiểm biết nhưng cố tình bỏ qua lỗi của tư vấn viên, của các đại lý bảo hiểm gây bất lợi cho khách hàng. Khi một bên là công ty bảo hiểm chuyên nghiệp với một bên là người mua không chuyên nghiệp mà đẩy hết trách nhiệm cho phía người mua là không hợp lý cả về lý và tình.
Chỉ rõ, tỉ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam thuộc loại thấp trên thế giới, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng có rất nhiều việc cần phải làm để lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ để người dân hiểu đúng, tin tưởng và không cảm thấy mạo hiểm khi mua bảo hiểm.
Từ những phân tích trên, đại biểu kiến nghị: Bộ trưởng Bộ Tài chính tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; kiến nghị Bộ Công an xác minh, làm rõ có hay không có dấu hiệu của tội lừa đảo hoặc tội lừa dối khách hàng, nếu có thì đề nghị xem xét, khởi tố theo quy định. Bên cạnh đó, đại biểu cảnh bảo các công ty bảo hiểm nhân thọ, đã đến lúc cần rà soát lại toàn bộ các khâu của quá trình bảo hiểm, từ thiết kế hợp đồng đến tư vấn, ký kết hợp đồng và giải quyết khiếu nại của khách hàng. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, chỉ khi thực sự minh bạch và thành tâm, người dân mới không quay lưng với bảo hiểm nhân thọ.
Với 26 đại biểu tham gia thảo luận và 4 tranh luận, các đại biểu Quốc hội dành nhiều sự quan tâm và kiến nghị Chính phủ nhiều vấn đề, tập trung vào các giải pháp thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trong thời gian qua; các vấn đề về văn hóa, giáo dục; có giải pháp giải quyết dứt điểm "điểm nghẽn" trong vấn đề sợ trách nhiệm, né tránh, sợ sai của cán bộ, đồng thời bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; …