Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thảo luận báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng

( Cập nhật lúc: 30/05/2023  )

Ngày 29/5, Quốc hội dành 01 ngày để thảo luận tại hội trường về Báo cáo giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành.


Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắ Kạn phát biểu tại Phiên thảo luận.

 Tham gia thảo luận nội dung này tại hội trường, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hồ Thị Kim Ngân đã có nhiều ý kiến phản ánh và đề xuất kiến nghị. Trang Thông tin điện tử đại biểu dân cử tỉnh Bắc Kạn trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Hồ Thị Kim Ngân tại phiên thảo luận.

“Kính thưa chủ tọa phiên họp!

Kính thưa Quốc hội!

Trước hết tôi thể hiện sự đồng tình cao với báo cáo kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng của Đoàn giám sát Quốc hội. Với phạm vi giám sát rộng, nhiều nội dung và số lượng số liệu cần tổng hợp, xử lý từ các Bộ, ngành, địa phương lớn nhưng đã được Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ, cụ thể, chỉ rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đưa ra các giải pháp, kiến nghị cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Qua giám sát thực tế tại địa phương và nghiên cứu tài liệu tôi xin tham gia một số ý kiến sau:

Một là: Về công tác phòng, chống dịch Covid-19

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tham gia của các tầng lớp Nhân dân, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, do là đại dịch chưa hề có trong lịch sử, diễn biến phức tạp, khó lường, do đó việc tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn. Với phương châm thực hiện đầy đủ, đồng bộ và kịp thời các giải pháp theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia, Chính phủ, Bộ Y tế, các địa phương đã tập trung nguồn lực ứng phó với dịch bệnh tại địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị trực thuộc ngành y tế là cơ quan thường trực phòng, chống dịch ngoài việc đảm bảo bố trí dủ nhân lực chuyên môn y tế còn được giao nhiệm vụ tổ chức mua sắm vật tư, sinh phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch với phương châm bốn tại chỗ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, do nhiều nguyên nhân khác nhau như một số cán bộ được phân công tham gia đấu thầu thiếu kinh nghiệm; thủ tục thực hiện đấu thầu kéo dài vì liên quan đến xác định giá dự toán gói thầu, trong khi đó việc cung ứng vật tư hóa chất, sinh phẩm là đòi hỏi cấp bách; tại một số thời điểm các mặt hàng y tế khan hiếm, giá cả thường xuyên dao động nên đã xảy ra tình trạng thiếu vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch nên phải đi vay, mượn hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch. Để đảm bảo vật tư, sinh phẩm phòng, chống dịch, một số địa phương đã phải tổ chức vay mượn của các đơn vị tuyến trên, đơn vị bạn và một số nhà cung cấp trước đó. Đến nay khi tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, vẫn còn một số địa phương đang nợ vật tư, sinh phẩm phòng chống dịch Covid-19 mà chưa có phương án tháo gỡ vướng mắc, do tình hình dịch bệnh đến nay đã cơ bản được khống chế, nên không có cơ sở để mua sắm hàng hóa để trả nợ, đặc biệt là các sinh phẩm xét nghiệm Covid-19; kinh phí được cấp để phẩn bổ cho mua sắm vật tư, sinh phẩm được quyết toán theo từng năm nên không có kinh phí để thực hiện.

Để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành liên quan sớm tham mưu có phương án xử lý dứt điểm vướng mắc nêu trên.

Hai là: Hệ thống y tế cơ sở thời gian qua chưa có sự ổn định và nhiều thay đổi, hiện nay mô hình quản lý Trung tâm Y tế huyện cũng như chức năng nhiệm vụ của TTYT cấp huyện chưa được thực hiện thống nhất trên cả nước, có địa phương trực thuộc Sở Y tế, có địa phương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; việc tồn tại các mô hình trung tâm y tế (hai chức năng, đa chức năng) dẫn tới một số khó khăn trong công tác chỉ đạo, quản lý, thống kê, báo cáo…; việc không thống nhất trong duy trì Phòng Y tế cấp huyện hoặc đưa về Văn phòng HĐND - UBND huyện thực hiện nhiệm vụ quản lý y tế trên địa bàn, dẫn đến khó khăn cho địa phương khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ, do công chức không có chuyên môn và thực hiện kiêm nhiệm nhiều nội dung khác. Các nội dung trên đã được Báo cáo giám sát chỉ rõ tại phần tồn tại, hạn chế.

Ngày 31/12/2021, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 37/2021TT-BYT ngày 31/12/2021 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, theo đó giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định việc chuyển các TTYT huyện về UBND cấp huyện quản lý khi đảm bảo các tiêu chí, điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, tài chính theo quy định của pháp luật và đối với Phòng Y tế quy định cũng quy định tùy nghi lựa chọn (đối với những nơi có Phòng Y tế thì chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND, chuyên môn nghiệp vụ thì sự chỉ đạo của Sở Y tế; đối với cấp huyện không có Phòng Y tế thì chức năng tham mưu, giúp UBND huyện thực hiện quản lý Nhà nước do Văn phòng HĐND-UBND huyện thực hiện. Như vậy, các tồn tại, hạn chế liên quan đến mô hình quản lý trung tâm y tế cấp huyện, Phòng Y tế cấp huyện đã được chỉ ra trong Báo cáo giám sát có được giải quyết không?

Tôi rất đồng tình với kiến nghị của Đoàn giám sát là cần thiết phải có rà soát, thống kê, tổng hợp và phân tích những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất cập và có báo cáo tổng kết, đánh giá về việc thực hiện mô hình quản lý và chức năng nhiệm vụ của trung tâm y tế huyện trên địa bàn cả nước hiện nay để có lộ trình thực hiện cụ thể. Theo đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ chuyên môn cần có đề án, chương trình thực hiện để đánh giá được khách quan, toàn diện, qua đó xem xét có lộ trình xây dựng hệ thống y tế được thống nhất, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ba là: Thời gian qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15/02/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Theo đó, điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở như sau:

“7. Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ
sở áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023:

a) Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp
làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm
chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu
vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh,
thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bệnh viện tuyến huyện,
quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.”

Trong khi đó, điểm a, khoản 5, Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập quy định: Công chức viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế để thực hiện các công việc: truyền thông giáo dục sức khỏe; dân số - kế hoạch hóa gia đình được hưởng 30% phụ cấp ưu đãi nghề.

Như vậy, đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi nghề mức 100% theo quy định
tại Nghị định số 05/2023/NĐ-CP là viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở thường
xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế đã và đang được hưởng phụ cấp ưu đãi
theo nghề mức từ 40%-70% quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP; còn các đối tượng khác là công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập (như truyền thông giáo dục sức khỏe, dân số - kế hoạch hóa gia đình; viên chức quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế,....) đang hưởng 30% phụ cấp ưu đãi nghề thì không được hưởng mức phụ cấp ưu đãi nghề (100%) theo quy định tại Nghị định số 05/2023/NĐ-CP. (Ngày 23/5/2023, Bộ Y tế đã có văn bản số 3102/BYT-TCCB trả lời Sở Y tế các tỉnh, thành phố v/v thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi nghề tại Nghị định số 05/2023/NĐ-CP).

Tuy nhiên, qua giám sát tại địa phương và kiến nghị của cử tri cho thấy: Trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch Covid 19, tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng diễn ra ở các tuyến, các cơ sở y tế phải huy động tăng cường tất cả công chức, viên chức ngành y đều phải trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, không có phân biệt đối tượng đang hưởng phụ cấp nghề 30% hay 40% (đi trực chốt kiểm dịch tại địa bàn giáp ranh tỉnh khác; phân luồng tại cổng bệnh viện để phát hiện người mắc covid; làm nhiệm vụ ở khu cách ly phòng chống dịch, lấy mẫu, tham gia tiêm vacxin phòng bệnh tại đơn vị và hỗ trợ các xã tiêm phòng covid…), nhưng đến khi có chính sách hỗ trợ lại có sự phân biệt về đối tượng thụ hưởng. Quy định như vậy là chưa đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách. Do đó, đề nghị Chính phủ xem xét chính sách bảo đảm công bằng cho các đối tượng đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch trong thời gian qua.

Trên đây là nội dung góp ý của tôi về kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.!”

Triệu Tuyên (ghi chép tại Kỳ họp)
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP