Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cần quy định bắt buộc doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng

( Cập nhật lúc: 26/05/2023  )

Sáng nay (26/5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 26/5/2023

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đầu phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV, gồm 7 Chương, 80 Điều. Dự thảo được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 7 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48 ngày 6/5/2021 của Chính phủ. 

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật đã được tiến hành công phu, khoa học và cầu thị. Góp ý vào các nội dung cụ thể của dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), tại Điều 31 dự thảo quy định là tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh, trừ cá nhân hoạt động thương mại không phải đăng ký kinh doanh đều phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc quy định này và đề nghị việc quy định bắt buộc phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng chỉ nên áp dụng đối với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, những ngành hàng lớn, có tác động đối với diện rộng người tiêu dùng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) góp ý cần quy định bắt buộc doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng.

Về các trường hợp bán hàng phải thông báo với UBND cấp xã, tại Điều 47 dự thảo quy định trong trường hợp bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên, có ít nhất một sản phẩm, hàng hóa có giá từ 100.000 đồng trở lên hoặc là tổng giá trị hàng hóa từ 10.000.000 đồng trở lên phải thông báo với UBND cấp xã và UBND cấp xã có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra. Đồng tình với quy định này, tuy nhiên đại biểu kiến nghị đối với mức tiền cụ thể Điều 47 này nên giao cho Chính phủ hướng dẫn để phù hợp với tình hình thực tế trong từng giai đoạn.

Đối với việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn tại Tòa án, Điều 70 dự thảo quy định: một trong những điều kiện để được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi giá trị giao dịch phải dưới 100 triệu đồng, tức là từ 101.000.000 trở lên thì sẽ không được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án là không phù hợp với thực tế và chưa đồng bộ trong cách tiếp cận của luật. Bởi trong lĩnh vực tư pháp, tính chất phức tạp của một vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp lớn hay nhỏ mà phụ thuộc vào tình tiết chứng cứ của vụ án có rõ ràng, đầy đủ hay không. Có giao dịch giá trị chỉ vài triệu đồng nhưng tình tiết phức tạp, chứng cứ không rõ ràng, các bên không thừa nhận cam kết khi mua bán thì khó áp dụng thủ tục rút gọn. Song, có vụ vài chục tỷ đồng nhưng các bên lập hợp đồng chặt chẽ, có biên bản giao hàng thì lại có thể áp dụng thủ tục rút gọn. Đại biểu Thủy cũng chưa đồng tình với hướng tiếp thu như cơ quan giải trình vì cho rằng còn bộc lộ nhiều mâu thuẫn khi áp dụng theo Bộ Luật tố tụng Dân sự.

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm trên. Đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) cũng đề nghị bỏ quy định giá trị 100 triệu đồng khi áp dụng thủ tục rút gọn. Còn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cũng nhận định, quy định như dự thảo tại Điều 70 là hạn chế quyền của người tiêu dùng và ông đề nghị với những tranh chấp của người tiêu dùng dưới quy mô 100 triệu đồng thì nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP