Quốc hội thảo luận trực tuyến về Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025)
( Cập nhật lúc:
01/11/2021
)
Chiều ngày 30/10/2021, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025).
Đại biểu Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thảo luận trực tuyến từ điểm cầu Bắc Kạn
Về cơ bản, các đại biểu thống nhất với nội dung báo cáo tổng hợp Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025) của Chính phủ, trong đó đã phân tích đánh giá cụ thể về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và chỉ ra được những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất thời kỳ 2021-2020, để từ đó có những giải pháp phù hợp hơn cho quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo.
Quan tâm đến bố trí quy hoạch không gian sử dụng đất vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, từ điểm cầu tỉnh Bắc Kạn đại biểu Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở NN & PTNT cho rằng, để thực hiện tốt những nhiệm vụ được bố trí trong thời kỳ quy hoạch và từ những khó khăn, vướng mắc tại địa phương, đề nghị trong thời gian tới Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm nghiên cứu thực hiện một số nội dung như:
Cần ưu tiên trong việc chuyển đổi linh hoạt cơ cấu sử dụng đất trên đất lúa, đất trồng cây hằng năm, khuyến khích hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; xem xét thống nhất giữa quy hoạch Lâm nghiệp với những quy hoạch khác, bố trí tái định cư cho người dân đang sinh sống trong vùng lõi các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; cho phép chuyển đổi một số diện tích đất đã quy hoạch rừng sản xuất sang mục đích khác để phát triển kinh tế, cho phép kết hợp sử dụng đất lâm nghiệp với mục đích thương mại dịch vụ để hình thành các khu du lịch sinh thái vừa bảo vệ cảnh quan môi trường rừng vừa phát triển kinh tế.
Sớm tăng mức khoán và mức hỗ trợ cho người dân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời tiếp tục thực hiện hiện chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng như Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/6/2012 và có chính sách ưu đãi khuyến khích thu hút các doanh nghiệp trồng cây dược liệu dưới tán rừng, bổ sung thêm cơ cấu cây trồng phân tán phù hợp để người dân được hưởng lợi từ những diện tích được nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng để họ có cuộc sống ổn định và gắn bó với việc quản lý, bảo vệ rừng.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm có văn bản hướng dẫn việc quản lý hoạt động san ủi, đào đắp đất, cải tạo mặt bằng của cá nhân, hộ gia đình trong khi chờ sửa đổi Luật Đất đai để thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước ở các địa phương, nhất là đối với các tỉnh miền núi.
Liên quan đến chỉ tiêu đất trồng lúa, đại biểu Huân đề nghị cần cân nhắc nghiên cứu kỹ lưỡng việc cho phép chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa vì đây là một loại đất đặc biệt, có đặc trưng riêng, cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư lớn, trong thời gian dài, việc cho phép chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất này có thể làm ảnh hưởng đến các đặc trưng cơ bản của đất lúa, ảnh hưởng đến chất lượng đất, sản lượng lúa hằng năm, đặc biệt cần hạn chế việc chuyển đổi đất chuyên trồng lúa nước để xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị.
Đại biểu cũng đề nghị, ngay sau khi Quốc hội thông qua quy hoạch, Chính phủ cần sớm phân bổ chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các địa phương trước ngày 15/11/2021 để các địa phương có đủ căn cứ thực hiện lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 05 năm (2021-2025) theo quy định.
Sau khi nghe các đại biểu thảo luận cho ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã giải trình làm rõ một số nội dung và tiếp thu các ý kiến để chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.
Theo chương trình kỳ họp, Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 12/11/2021./.