Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)
( Cập nhật lúc:
29/10/2021
)
Chiều ngày 28/10/2021, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bà Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.
ĐBQH Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Theo đại biểu Nguyễn Thị Huế trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, tác phẩm điện ảnh không chỉ là một tác phẩm thuộc lĩnh vực nghệ thuật mà còn là sản phẩm dịch vụ có tính văn hóa cao, như một ngành kinh tế, ngành công nghiệp văn hóa. Vì vậy, các quy luật kinh tế, nền tảng truyền thống và nền tảng số đều có ảnh hưởng tới điện ảnh. Sau 15 năm thực hiện, bên cạnh những quy định phù hợp, có đóng góp tích cực, hiệu quả cho Điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập và cần được bổ sung. Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi với 8 Chương và 50 Điều, 4 chính sách là phù hợp, bên cạnh đó dự thảo Luật cũng cơ bản đã khắc phục được những thiếu sót, bất cập, khó thực thi trong thực tiễn.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo đại biểu kiến nghị các nội dung:
Về chính sách phát triển của Nhà nước về phát triển điện ảnh với nội dung Nhà nước đầu tư cho các hoạt động: “sản xuất phim thực hiện theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị của Nhà nước về đề tài lịch sử, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, chiến tranh cách mạng, thiếu nhi, miền núi, biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số và các vấn đề của cuộc sống đương đại” đại biểu cho rằng quy định đề tài phim do Nhà nước đầu tư sản xuất theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị như vậy rất rộng, nhất là các vấn đề cuộc sống đương đại. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển điện ảnh cần có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, đánh giá thêm một số khía cạnh, đặc biệt là trong điều kiện đẩy mạnh việc xã hội hoá, thu hút nhiều nguồn lực, cũng như chất lượng các sản phẩm xã hội hoá thời gian qua, trên cơ sở đó tập trung vào những đề tài trên thực tiễn chưa hấp dẫn đầu tư, nhưng cần thiết phải được quan tâm, chú trọng, đảm bảo phát triển điện ảnh gắn liền với định hướng phát triển chung về kinh tế - xã hội; với nội dung Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động đề nghị cụ thể hoá các hoạt động hỗ trợ phát triển điện ảnh để việc thực hiện có hiệu quả trên thực tế, như hỗ trợ sản xuất, phát hành, phổ biến phim góp phần giới thiệu văn hoá, đất nước và con người Việt Nam, đồng thời làm rõ chính sách, cơ chế gắn liền với hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ phát hành, hỗ trợ phổ biến phim sẽ để làm cơ sở thống nhất thực hiện.
Về quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước đại biểu lựa chọn phương án 2 “Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng (đối với phim có nội dung đề tài phục vụ nhiệm vụ chính trị) hoặc đấu thầu (đối với phim có nội dung khác)” vì đây là các hình thức cơ bản để lựa chọn đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước được pháp luật quy định. Thực hiện hình thức đấu thầu nhằm tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân. Luật Đấu thầu quy định cụ thể, chi tiết cả ba hình thức này. Tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định “Gói thầu hợp tác, sản xuất phim thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao” được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu; Trừ các nội dung phim phục vụ nhiệm vụ chính trị sẽ thực hiện việc giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng, còn lại các phim có nội dung khác nên thực hiện đấu thầu để tăng tính cạnh tranh chất lượng phim giữa các hãng phim truyện và các Doanh nghiệp sản xuất phim.
Với nội dung phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim đại biểu đề nghị bổ sung quy định rạp chiếu phim cũng phải chịu trách nhiệm về việc không đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ cho nhà sản xuất phim vì hiện nay tình trạng quay lại phim đang công chiếu, thậm chí là truyền dẫn trực tiếp phim trên các trang mạng xã hội khá phổ biến. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà sản xuất phim, của rạp chiếu phim và vi phạm đến bản quyền tác phẩm. Mặc dù đã có quy định về chế tài xử lý song thực tế việc vi phạm vẫn tiếp diễn.
Về quy định thành lập quỹ phát triển Điện ảnh đại biểu đề nghị không đưa vào Luật nội dung này vì trong thực tiễn có rất nhiều Luật quy định thành lập các quỹ phát triển nhưng do điều kiện về ngân sách không đảm bảo cho nên không thành lập được. Như vậy nội dung này khó khả thi trong thực tiễn.
Về nội dung quy định về Hội đồng thẩm định và phân loại phim đại biểu đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về quyền hạn, trách nhiệm, hoạt động của Hội đồng thẩm định và phân loại phim bảo đảm yêu cầu chuyên môn, tăng tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu thẩm định phim của các cơ sở điện ảnh.
Ngoài ra đại biểu đề nghị xem xét bổ sung thêm vào Dự thảo Luật một số nội dung có liên quan tới điện ảnh như: Những quy định tạo hành lang pháp lý để xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật sản xuất phim. Định mức kinh tế - kỹ thuật là cơ sở để xây dựng giá đặt hàng sản xuất phim và là căn cứ để bố trí ngân sách hàng năm và các nguồn đầu tư cho điện ảnh. Theo quy định về đặt hàng sản xuất sản phẩm, dịch vụ công, giá đặt hàng được xác định dựa trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.