Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ
( Cập nhật lúc:
27/10/2021
)
Chiều ngày 26/10/2021, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Ông Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.
Theo đại biểu Hà Sỹ Huân, sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vì tài sản trí tuệ có giá trị lớn trong nền kinh tế tri thức, là nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh và là công cụ cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp và nền kinh tế. Trải qua 16 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này. Trước bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005, Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đại biểu nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này.
ĐBQH Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Với quy định về quyền nhân thân, quyền tài sản, đại biểu Hà Sỹ Huân cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định rõ, cụ thể việc thực hiện các quyền nhân thân và tài sản của đồng tác giả với việc thực hiện quyền của tập thể tác giả. Do tác phẩm đồng tác giả là một tác phẩm chung không thể khai thác riêng lẻ theo từng phần nên quyền tác giả đối với tác phẩm đó là của chung các đồng tác giả. Việc thực hiện các quyền nhân thân hay tài sản của mỗi đồng tác giả sẽ liên quan hay bị ràng buộc với các đồng tác giả khác. Do đó đề nghị Luật cần bổ sung quy định: “Việc thực hiện các quyền nhân thân và tài sản đối với tác phẩm chung phải có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các đồng tác giả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, đại biểu nhất trí với phương án 1 nhằm tạo động lực khuyến khích các tổ chức chủ trì đăng ký, xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với phần kết quả nghiên cứu có khả năng bảo hộ sở hữu công nghiệp và thúc đẩy thương mại hóa đối tượng quyền sở hữu công nghiệp đó; đồng thời vẫn đảm bảo được sự quản lý của Nhà nước đối với kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được bảo hộ sở hữu công nghiệp có sử dụng ngân sách, đồng thời thống nhất giữa quy định về quyền đăng ký, sở hữu đối với kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trong các luật hiện hành (Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công).
Đối với quy định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ, đại biểu đề nghị bổ sung cụ thể hình thức tuyên bố của chủ văn bằng (bằng văn bản hay hình thức khác) về hủy bỏ quyền đối với trường hợp chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ./.