Thảo luận tại tổ về dự án Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
( Cập nhật lúc:
25/10/2021
)
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 21/10, tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn, ông Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì Tổ thảo luận số 12 thảo luận về dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
ĐBQH Hoàng Văn Hữu, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 1 phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 21/10
Tại buổi thảo luận, các vị ĐBQH tỉnh đã phân tích những hạn chế, bất cập qua 7 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Đồng thời thống nhất việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đáp ứng và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới. Góp ý vào dự thảo luật, ĐBQH Hoàng Văn Hữu - Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu I cho rằng, tại Điều 3 về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động quy định: “Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân...” là chưa hợp lý. Bởi Luật Quốc phòng đã quy định“Lực lượng vũ trang nhân dân gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ”; Luật Công an nhân dân cũng quy định “Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân...”. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, hợp lý, đề nghị giữ nguyên quy định về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động như Pháp lệnh Cảnh sát cơ động hiện hành. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, cân nhắc kĩ quy định Cảnh sát cơ động là lực lượng “chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”, bởi “biện pháp vũ trang” là dùng chung cho các lực lượng của Công an, chứ không dung riêng cho lực lượng Cảnh sát cơ động. Mặt khác, Điều 22 Luật An ninh Quốc gia không quy định lực lượng “chuyên trách” đối với Cảnh sát cơ động, trong khi tại Điều 3 Luật Cảnh sát biển Việt Nam và Điều 13 Luật Biên phòng Việt Nam quy định các lực lượng này là lực lượng chuyên trách nhiệm vụ trên biển và ở vùng biên giới. Do đó, để tránh chồng chéo, đề nghị bỏ cụm từ “chuyên trách” trong Điều 3 của dự thảo Luật.
Đối với vấn đề Quốc hội xin ý kiến về hệ thống tổ chức Cảnh sát cơ động, đại biểu Hoàng Văn Hữu nhất trí phương án 1 đề nghị giữ nguyên quy định về hệ thống tổ chức như dự thảo Chính phủ trình, theo đó chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động, phù hợp với Luật Công an nhân dân.
Tham gia thảo luận, bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn cho rằng: Vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động đã được Bộ Công an giải trình, làm rõ nhưng dự thảo Luật hiện nay vẫn giữ nguyên quy định Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Công an nhân dân, dẫn đến lẫn các khái niệm với nhau, vì vậy đề nghị quy định Cảnh sát cơ động thuộc Công an nhân dân là đầy đủ.
Về hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động (Điều 7), bà Hồ Thị Kim Ngân nhận định so với dự thảo trước cũng đã có tiếp thu, tuy nhiên điểm đ khoản 2 đề nghị cần được quy định cụ thể. Vì theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi dẫn chiếu cần quy định cụ thể nội dung để thuận lợi khi đối chiếu thực hiện và đảm bảo tính minh bạch khi thực hiện. Theo đó, tại khoản 7 Điều 9, khoản 7 Điều 10 cũng cần được quy định cụ thể.
Cùng tham gia phát biểu về dự án Luật Cảnh sát cơ động, ĐBQH Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, khoản 6 Điều 9 quy định trách nhiệm của Cảnh sát cơ động cần bổ sung nhiệm vụ: “phối hợp với chính quyền địa phương nơi đóng quân trong phát triển kinh tế xã hội tại địa bàn đó” cho đầy đủ. Về tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động, Điều 24 quy định “Cảnh sát cơ động được ưu tiên tuyển chọn công dân có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc có năng khiếu, tài năng phù hợp để bổ sung vào Cảnh sát cơ động” là chưa phù hợp, đề nghị bỏ cụm từ “ưu tiên” để tránh những hệ lụy khi thực hiện, dẫn đến thiếu minh bạch, khách quan khi tuyển chọn người vào lực lượng này. Về quy định trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại Điều 28, đề nghị bổ sung cụm từ “thành phố trực thuộc trung ương” cho đầy đủ và phù hợp với các luật khác hiện hành.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, ĐBQH Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ; đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét thêm một số nội dung: Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, bà Nguyễn Thị Huế nhất trí với phương án 1 về việc giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp bằng bảo hộ. Tuy nhiên, cần rà soát đề suất, sửa đổi đồng bộ với quy định về quyền sở hữu kết quả, nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng NSNN được quy định trong các luật hiện hành như Luật Khoa học Công nghệ, Luật Chuyển giao Công nghệ. Về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bà Nguyễn Thị Huế đồng tình với phương án 2 là giữ nguyên như quy định hiện hành. Cụ thể là các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội đều bị xử phạt vi phạm hành chính. Các vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng tác giả mà còn ảnh hưởng xã hội, người tiêu dùng, hoặc cho xã hội. Vì thế, tất cả hành vi vi phạm phải được phát hiện và xử phạt hành chính. Về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài, bà Nguyễn Thị Huế cho rằng việc quy định chỉ kiểm soát an ninh đối với sáng chế “tạo ra toàn bộ ở Việt Nam” là chưa đủ chặt chẽ, tạo ra kẽ hở trong việc lợi dụng an ninh đối với các sáng chế “được tạo ra một phần tại Việt Nam”.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận Tổ, ông Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng của vị đại biểu Quốc hội. Đồng thời, đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu sâu các dự án luật để góp ý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lập pháp của Quốc hội./.