Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận ở Tổ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương

( Cập nhật lúc: 09/01/2023  )

Cuối phiên làm việc chiều 07/01, Quốc hội thảo luận tại Tổ về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.


Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu trong phiên thảo luận tại Tổ chiều 07/01 (Triệu Tuyên).

Theo Tờ trình của Chính phủ, tổng dự toán vay của các địa phương năm 2022 được Quốc hội quyết định là 28.636,7 tỷ đồng, trong đó, dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 18.482 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, tính đến ngày 31/8/2022 có 15 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại, 01 địa phương đề nghị trả nợ trước hạn dẫn đến thay đổi mức vay, trả nợ của từng địa phương so với mức Chính phủ đã báo cáo và được Quốc hội phê duyệt. Trong đó, 7 địa phương đề nghị tăng dự toán vay lại, với tổng số đề xuất tăng là 226 tỷ đồng; 7 địa phương đề nghị giảm dự toán vay lại, với tổng số đề nghị giảm là 1.547,8 tỷ đồng.

Tham gia thảo luận, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn bày tỏ quan điểm nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho biết, Bắc Kạn là một trong 7 địa phương đề nghị tăng dự toán vốn vay lại để trả nợ vay trước hạn 33,7 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đã tham gia 07 dự án sử dụng nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, các dự án đều đã phát sinh dư nợ, trong đó có 05 dự án kết thúc thời gian giải ngân theo Hiệp định tài trợ, nên số vốn còn lại chưa giải ngân của các dự án này sẽ dồn vào những năm cuối, trong khi đó số trả nợ gốc theo lộ trình được duyệt của một số dự án đang trong thời gian ân hạn, dẫn đến dư nợ vay của tỉnh tăng đột biến.

Năm 2022, tỉnh Bắc Kạn được Trung ương giao 394,552 tỷ đồng nguồn vốn ODA cấp phát để thực hiện 07 dự án chuyển tiếp nêu trên. Theo cơ chế tài chính của nguồn vốn, để đủ điều kiện giải ngân hết số vốn ODA trung ương cấp phát thì tỉnh phải bố trí số vốn ODA vay lại theo tỷ lệ vay tương ứng từng dự án với tổng số tiền là 49,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2022 Bộ Tài chính trình Quốc hội và Chính phủ giao tổng số vay lại cho tỉnh Bắc Kạn là 16 tỷ đồng. Như vậy, với tổng số vốn vay lại được giao như trên, tỉnh không đủ điều kiện để giải ngân hết toàn bộ số vốn ODA cấp phát được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm. Do vậy, sẽ không có nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án đảm bảo hoàn thành trước khi đóng khoản vay kết thúc theo hiệp định theo quy định đã ký kết.

Với tính cấp thiết như trên, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân hoàn toàn đồng tình, nhất trí với phương án trình của Chính phủ và dự thảo nghị quyết, theo đó kiến nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh tăng dự toán vay năm 2022 của 7 địa phương với mức tăng thêm 226 tỷ đồng và đề nghị bổ sung kế hoạch vốn vay lại năm 2022 cho tỉnh Bắc Kạn với số tiền là 33,7 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu giải ngân của các dự án theo như Tờ trình của Chính phủ.

Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả thực sự của nguồn vốn đầu tư, đảm bảo hiệu quả thực sự của việc điều chỉnh bổ sung nguồn vốn lần này, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Quốc hội xem xét có quy định trong dự thảo nghị quyết cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn vay lại được bổ sung này và vốn ODA cấp phát tương ứng đến hết năm 2023. Đồng thời, đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm đến việc hằng năm cũng như định kỳ, kịp thời rà soát và xử lý các nội dung điều chỉnh dự toán để tránh tình trạng xử lý chậm và làm ảnh hưởng đến tiến độ cũng như làm giảm hiệu quả của việc sử dụng vốn./.

Ái Vân
ALBUM ẢNH


THỐNG KÊ TRUY CẬP