Quốc hội thảo luận Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
( Cập nhật lúc:
14/06/2022
)
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng ngày 13/6 Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và đồng chí Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn tham gia phát biểu ý kiến.
Đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Tham gia đóng góp đối với dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho ý kiến về vấn đề xã hội hóa, liên doanh, liên kết, hợp tác đặt máy móc, thiết bị trong khám chữa bệnh. Đại biểu Thủy cho rằng xã hội hóa, liên doanh, liên kết giữa các cơ sở y tế công lập với các tổ chức, cá nhân ngoài xã hội là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta để bù đắp những thiếu hụt về ngân sách dành cho y tế. Nhờ việc triển khai kỹ thuật cao và áp dụng các trang thiết bị hiện đại đã giúp góp phần đáng kể nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giúp cho người dân được tiếp cận y tế kỹ thuật cao ngay trong nước mà không cần phải ra nước ngoài. Đặc biệt với việc triển khai chính sách này không chỉ có tuyến trung ương, tuyến trên mới tiếp cận kỹ thuật cao hiện đại mà ngay cả các bệnh viện tuyến dưới cũng đã làm chủ nhiều kỹ thuật cao hiện đại để giúp cho người dân được thụ hưởng ngay tại địa phương, cơ sở mà không phải chuyển tuyến, vượt tuyến lên trên.
Tuy nhiên, quá trình triển khai chủ trương này trong thời gian qua cũng nảy sinh nhiều vấn đề như: tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm và lạm dụng chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao quá mức cần thiết đối với những máy móc xã hội hóa, gây tốn kém cho túi tiền của người dân và bảo hiểm y tế. Đáng lưu ý là do thiếu quy hoạch rõ ràng cho nên hiện nay đang có sự mất cân đối rất lớn trong huy động nguồn lực. Xã hội hóa, liên doanh, liên kết hiện nay chủ yếu mới tập trung ở những thành phố lớn và những nơi có điều kiện thuận lợi. Trong khi đó ở những cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là ở những địa phương mà có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn rất cần xã hội hóa thì lại không thể xã hội hóa được và dẫn tới thiệt thòi cho những bệnh nhân ở khu vực này. Qua theo dõi các vụ án vừa qua trong lĩnh vực y tế, thấy rằng việc thổi giá không chỉ được phát hiện trong các dự án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế mà còn được phát hiện cả trong việc triển khai các đề án xã hội hóa, liên doanh, liên kết hợp tác đặt máy móc, thiết bị khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện công lập.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do lĩnh vực này hành lang pháp lý còn chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng dẫn đến vừa khó khăn cho các bệnh viện trong triển khai, vừa dễ rủi ro cho cả bệnh viện lẫn đơn vị tư nhân tham gia và nhất là dễ bị lợi dụng để cấu kết nhóm lợi ích gây thiệt hại cho bệnh nhân và gây thiệt hại cho nhà nước. Để khắc phục những bất cập, tồn tại này thì phải sửa đổi, bổ sung trong nhiều văn bản pháp luật, trong đó có Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh duy nhất chỉ có Điều 90 quy định về xã hội hóa liên doanh, liên kết. Việc chỉ quy định mang tính chủ trương như vậy trong dự thảo tại Điều 90 là chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị: cần quy định cụ thể vào trong dự thảo luật này những nguyên tắc, những yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; bổ sung các cơ chế kiểm soát để nhằm chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm; bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng còn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Huế tham gia góp ý về mô hình bác sĩ gia đình. Đại biểu Huế đề nghị ngành y tế cần có đánh giá, tổng kết cụ thể, xác định phạm vi, quy mô, chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình và các điều kiện bảo đảm hoạt động như giá dịch vụ phòng khám, cơ chế chuyển tuyến, cơ chế thanh toán, bảo hiểm y tế, cần có những hỗ trợ về chính sách để nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình trên toàn quốc, nhằm tăng nhân sự y học gia đình trong các khoa khám bệnh ngoại trú tại bệnh viện. Cần quan tâm đến vấn đề hành lang pháp lý và được luật hóa, có thể đưa vào một điều luật cụ thể về nội dung này trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), cần có cơ chế để người bệnh có thể được hưởng tối đa quyền lợi bảo hiểm y tế. Việc phát triển mô hình bác sĩ gia đình và mô hình này được điều chỉnh bởi luật sẽ giúp người dân được chăm sóc toàn diện và liên tục, giúp hoàn thiện và củng cố hệ thống y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt nhất cho nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị cần có chính sách cụ thể để đãi ngộ phù hợp hơn, thu hút nguồn nhân lực phục vụ cho ngành y tế. Đại biểu Huế cho rằng, trong thời gian qua, nhiều y, bác sĩ đã xin thôi việc hoặc xin chuyển công tác sau một thời gian gắn bó lâu dài, đó là sự mất mát rất lớn của ngành y. Một bác sĩ được đào tạo 6 năm và rất nhiều năm học việc, thử việc và tiếp tục được đào tạo chuyên môn sâu mới được trở thành bác sĩ chính thức. Nếu không đảm bảo đời sống, không có chính sách đãi ngộ phù hợp sẽ không giữ chân được lực lượng này, gây lãng phí nguồn nhân lực và thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng y tế trong thời gian tới. Đại biểu Huế đề nghị cần nghiên cứu khẩn trương, có các chính sách cụ thể để kịp thời động viên, khích lệ đội ngũ này yên tâm công tác./.