Cần cân nhắc kỹ lưỡng việc sửa đổi hiệu lực sớm thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng
( Cập nhật lúc:
20/06/2024
)
Sáng nay (20/6), sau phiên thảo luận ở Hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn trong phiên thảo luận Tổ
Đây là dự án Luật mới được Quốc hội quyết nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 trong đợt 1 của Kỳ họp này và dự kiến xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ hop, nhằm đưa 4 Luật trên sớm đi vào cuộc sống.
Nội dung chính của dự thảo Luật này là điều chỉnh hiệu lực thi hành của 04 Luật trên bắt đầu từ ngày 01 tháng 8 năm 2024, sớm hơn 05 tháng so với các Luật đã ban hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ
Tham gia thảo luận, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn bày tỏ sự băn khoăn đối với việc ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện khi luật có hiệu lực sớm. Đại biểu cho biểt, đối với các văn bản của các địa phương quy định chi tiết nội dung được giao trong Luật Đất đai năm 2024, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Nhà ở năm 2023, hồ sơ dự án Luật chưa có thông tin cụ thể về tiến độ ban hành văn bản cho kịp với thời hạn hiệu lực sớm của 04 luật (văn bản hướng dẫn của địa phương gồm 20 nội dung đối với Luật Đất đai năm 2024, 10 nội dung đối với Luật Nhà ở năm 2023…), có những văn bản phải căn cứ vào các quyết định, nghị định, thông tư của Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương mới có thể xây dựng được. Trong khi, đối với văn bản quy định chi tiết do cơ quan Trung ương ban hành, đến ngày 18/6/2024 mới chỉ có 01/16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai năm 2024 được ban hành; còn 07 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở năm 2023 và 04 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đều chưa được ban hành, nên việc sửa đổi hiệu lực của các luật sớm hơn 05 tháng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc ban hành văn bản của các địa phương. Trường hợp các địa phương không thể hoàn thành các văn bản hướng dẫn có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai luật, nhất là Luật Đất đai do có nhiều nội dung quan trọng đã được phân cấp cho chính quyền địa phương như quy định các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Đất đai năm 2024... Hơn nữa, dù các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đúng tiến độ theo cam kết của Chính phủ thì các địa phương cũng khó bảo đảm điều kiện ban hành toàn bộ các văn bản thuộc thẩm quyền trước ngày các luật này có hiệu lực thi hành vào ngày 01/8/2024. Do đó, cần phải có đánh giá rất kỹ lưỡng để đảm bảo Luật ban hành đảm bảo tính khả thi.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ hạn chế tối đa việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận văn bản quy phạm pháp luật nhằm chuẩn bị điều kiện thực thi của người dân, doanh nghiệp.
Đồng quan điểm với đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, các vị đại biểu Quốc hội trong Tổ thảo luận số 3 cũng đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả triển khai các luật này khi có hiệu lực thi hành.